Tiếng tăm lan cả đến Trung Quốc
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra vào thời đất nước loạn lạc. Ông chờ đợi mãi đến năm 45 tuổi mới đi dự thi và đỗ Trạng vào thời Mạc Đăng Doanh. Những muốn đem tài trí ra thi thố giúp vua xây dựng một thời thịnh trị. Nhưng lực bất tòng tâm, sau tám năm làm quan, Trạng xin về quê trí sĩ.
Trạng mở am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết để dạy dỗ học trò. Sống một cuộc đời thong dong như một cư sĩ, nhưng tấm lòng Trạng vẫn đau đáu dõi theo mọi diễn biến của thế sự trong nước. Trạng được vua Mạc ban cho tước Trình Tuyền Hầu, nên dân gian quen gọi là Trạng Trình.
Trạng Trình là người Việt nghiên cứu sâu về lí số phương Đông. Tiếng tăm của Trạng lan khắp trong nước và lan ra cả đến Trung Quốc. Chu Xán – một sứ giả triều Thanh viết sách khi nhắc đến những nhân vật nổi tiếng đương thời đã viết: “An Nam lí học hữu Trình Tuyền” (ý nói ở nước Nam có Trình Tuyền là người thông giỏi khoa lí số).
Nhà Trịnh với lời khuyên giữ chùa thờ Phật thì ăn oản
Bấy giờ nhà Mạc làm vua đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) kiểm soát đất Bắc. Từ xứ Thanh trở vào Nguyễn Kim đã dựng con cháu nhà Lê lên làm vua. Cuộc nội chiến Nam – Bắc triều cứ diễn ra liên miên.
Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể là Trịnh Kiểm lên nắm quyền hành. Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất đi không có con nối dõi. Quyền hành tất cả trong tay Thái sư Trịnh Kiểm, ông có cơ hội để tự mình ngồi vào ngai vàng. Nhưng Trịnh Kiểm vẫn băn khoăn không biết có nên làm thế không, nên vời Phùng Khắc Khoan vào mật đàm. Phùng Khắc Khoan cũng phân vân, nên xin Trịnh Kiểm cho người đến hỏi ý của thầy mình là Trạng Trình. Trịnh Kiểm từng được họ Phùng nói về tài đức và nhân cách của Trạng nên bằng lòng ngay.
Chuyện kể rằng, khi nghe sứ giả của họ Trịnh trình bày xong, Trạng không nói gì cả mà quay sang bảo người nhà:
- Năm nay lúa không tốt, vì thóc giống không chắc. Chúng bay nên tìm thóc cũ đem gieo thì tốt.
Nói xong, Trạng chống gậy đi dạo. Khách lẽo đẽo đi theo. Đi qua cửa nhà chùa thấy chú tiểu đang chăm sóc cây, như ngẫu nhiên Trạng nói với chú tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”.
Trạng tiễn khách ra về, không dặn dò gì cả. Phùng Khắc Khoan hỏi rõ mọi chuyện rồi vào kể lại với Thái sư Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm nghe xong thầm hiểu ý Trạng, rằng nên lấy danh nghĩa tôn phò nhà Lê cho thuận lòng dân. Trịnh Kiểm bèn sai người đến làng Bố Vệ tìm đón Lê Duy Bang là cháu sáu đời của Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi) về lập làm vua, tức là Lê Anh Tông.
Đến đời Trịnh Tùng thì họ Trịnh xưng là chúa tạo ra hình thế cung vua – phủ chúa trong lịch sử nước ta. Vua chỉ là hình thức một tượng Phật để thờ, còn mọi quyền hành đều nằm trong tay nhà chúa.
(BKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét