Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio của Mỹ mang theo 24 tên lửa Trident-III tầm bắn 11.300 km còn tàu ngầm Borei của Nga mang theo 16 tên lửa Bulava tầm bắn 10.000 km.
SSBN Triomphant đi vào phục vụ trong hải quân Pháp lần lượt vào năm 1997, 1999, 2004 và 2010. Tàu có chiều dài 138 m, rộng 12,5 m, mớn nước 10,6 m, lượng giãn nước khi nổi 12.640 tấn, khi lặn 14.335 tấn. Triomphant được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân áp lực nước công suất 150 MW cung cấp năng lượng cho hệ thống bơm phun chứ không sử dụng chân vịt. Vũ khí chủ lực của SSBN này là 16 SLBM M51 tầm bắn 10.000 km mang theo 5-10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 100 kt. Tàu còn có 4 ống phóng ngư lôi 533 mm có thể phóng tên lửa chống hạm SM39 Exocet. Ảnh: Wikipedia |
SSBN Delta-III thuộc đề án 667BDR Kalmar, đây là một biến thể nâng cấp từ Delta-II. Delta-III cũng như các biến thể khác của nó nổi bật với khoang lớn nhô cao khỏi phần thân tàu phía sau tháp chỉ huy bên trong chứa các ống phóng cho tên lửa SLBM. 14 chiếc đã được chế tạo từ năm 1972-1982, trong đó có 5 chiếc vẫn đang hoạt động trong hải quân Nga. Delta-III sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân công suất 90 MW/chiếc cung cấp năng lượng cho 2 tuabin hơi nước công suất 60.000 mã lực. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa khi lặn 24 hải lý/giờ, độ sâu hoạt động 400 mét. Vũ khí chủ lực trên tàu gồm 16 ống phóng chứa tên lửa SLBM R-29R tầm bắn từ 6.500-9.000 km tùy biến thể. Mỗi tên lửa có thể mang theo từ 1-3 đầu đạn hạt nhân. Phía trước mũi tàu có 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, cơ số ngư lôi 16 quả. Delta-III có lượng giãn nước khi lặn 13.700 tấn. Ảnh: Military-today |
Delta-IV là một phát triển hơn nữa từ Delta-III thuộc đề án 667BDRM Delfin. 7 chiếc được đóng mới từ năm 1985-1992, tất cả vẫn đang hoạt động trong hạm đội biển Bắc, hải quân Nga. Delta-IV có thiết kế thủy động lực học tương tự Delta-III, tàu được áp dụng một số công nghệ tiên tiến cho phép giảm tối đa độ ồn khi hoạt động. Thân tàu được phủ một lớp gạch cao su chống âm giúp tàu hoạt động bí mật hơn. Năng lực răn đe hạt nhân của Delta-IV đã được nâng cấp đáng kể với sự phục vụ của SLBM R-29RMU Sineva. Tên lửa mới có tầm bắn tới 11.547 km, mỗi tên lửa mang theo 4 đầu đạn hạt nhân tấn công 4 mục tiêu độc lập. R-29RMU đi vào phục vụ từ năm 2007, dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2030. Ngoài ra, Delta-IV còn có khả năng phóng tên lửa chống tàu Novator SS-N-15 Starfish qua ống phóng ngư lôi. Ảnh: Wikipedia |
Typhoon thuộc đề án 941 Akula là chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới từng được chế tạo với lượng giãn nước khi lặn tới 48.000 tấn. Tàu có chiều dài 175 m, rộng 23 m, mớn nước 12 m, với kích thước lớn như vậy tàu có đủ không gian để chứa các nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn 160 người hoạt động liên tục dưới nước 120 ngày. Để vận hành cỗ máy khổng lồ này cần đến 2 lò phản ứng hạt nhân công suất 190 MW mỗi lò. Nó cung cấp năng lượng cho 2 tuabin hơi nước truyền động cho 2 chân vịt 7 cánh. Typhoon đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ khi lặn, phạm vi hoạt động không giới hạn. SSBN Typhoon có năng lực răn đe hạt nhân ghê ghớm với 20 tên lửa SLBM R-39, mỗi tên lửa mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập có đương lượng nổ 200 kt tầm bắn 8.300 km. Tuy nhiên, khi Hiệp ước START-II có hiệu lực, tên lửa R-39 đã rút khỏi biên chế. Trong số 6 chiếc được đóng mới, chỉ 1 chiếc duy nhất mang số hiệu TK-208 Dmitriy Donskoy đang hoạt động để thử nghiệm tên lửa SLBM Bulava. 2 chiếc khác đang được dự trữ. Ảnh: Military-today |
Đề án 955 Borei là loại SSBN tối tân nhất của Nga hiện nay. Lớp tàu ngầm này sẽ là nòng cốt cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga trong thời gian tới. Borei mang trong mình nhiều công nghệ tối tân giúp tàu hoạt động cực êm dưới nước. Đề án 955 là lớp tàu ngầm đầu tiên của Nga được áp dụng hệ thống bơm phun để di chuyển thay cho chân vịt truyền thống. Tàu có chiều dài 170 m, rộng 13,5 m, mớn nước 10 m, lượng giãn nước khi lặn 24.000 tấn. Năng lực răn đe hạt nhân của tàu gồm 16 tên lửa SLBM RSM-56 Bulava. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn có khả năng mang theo 6 đầu đạn hạt nhân độc lập với tầm bắn 10.000 km. 3 chiếc đã được đóng mới trong đó có 2 chiếc đi vào hoạt động, dự kiến Nga sẽ đóng mới 10 chiếc loại này. Ảnh: Military-today |
SSBN Vanguard là trụ cột cho sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển của hải quân Hoàng gia Anh. 4 chiếc đã được đóng mới đưa vào sử dụng từ năm 1993 đến nay. Tàu có chiều dài 149,9 m, rộng 12,8 m, mớn nước 12 m, lượng giãn nước khi lặn 15.900 tấn. Vanguard được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân Rolls-Royce PWR2, 2 tuabin hơi nước công suất 27.500 mã lực/chiếc, tàu sử dụng 1 động cơ bơm phun để di chuyển. Sức mạnh răn đe hạt nhân của tàu dựa trên 16 SLBM Trident II D5. Mỗi tên lửa mang theo 8 đầu đạn hạt nhân W88 có đương lượng nổ 475 kt/đầu đạn, tầm bắn tối đa 11.300 km. Tàu còn có 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Ảnh: Military-today |
Ohio là lớp SSBN đông nhất thế giới với 14 chiếc đang hoạt động, hạm đội tàu ngầm này chiếm đến 50% năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ. Tàu có chiều dài 170 m, rộng 13 m, mớn nước 10,8 m, lượng giãn nước khi lặn 18.750 tấn. Ohio là loại tàu ngầm lớn nhất của hải quân Mỹ. Tàu sử dụng 1 lò phản ứng hạt nhân S8G, 2 tuabin hơi nước truyền động cho 1 chân vịt 7 cánh, tốc độ tối đa khi lặn 25 hải lý/giờ. Mặc dù có lượng giãn nước nhỏ hơn 1 nữa so với SSBN Typhoon và 25% so với Borei nhưng Ohio lại mang tới 24 tên lửa SLBM. Nó là loại tàu ngầm SSBN mang nhiều tên lửa nhất thế giới, điều này có được là nhờ vào thiết kế tối ưu của tên lửa SLBM UGM-133 Trident II. Mỗi tên lửa Trident II mang theo 8 đầu đạn hạt nhân độc lập với tầm bắn 11.300 km. 14 chiếc SSBN Ohio sẽ đảm đương nhiệm vụ răn đe hạt nhân trên biển cho đến khoảng năm 2029 trước khi được thay thế bởi một lớp tàu mới. Ảnh: Military-today |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét