Quân ly khai Ukraina bên cạnh một chiếc xe tăng của chính phủ Ukraina đã bị đốt cháy ở Lugansk. |
Ngày 16.9, Quốc hội Ukraina và Nghị viện EU bỏ phiếu thông qua thỏa thuận liên kết EU - Ukraina, trong đó chỉ trì hoãn việc thực hiện thỏa thuận tự do thương mại tới năm 2016. Quốc hội Ukraina cũng sẽ thảo luận dự thảo nhằm chấm dứt xung đột ở miền tây, trong đó có cả việc trao quy chế đặc biệt cho Lugansk và Donetsk.
BBC cho rằng, thỏa thuận liên kết và thương mại EU - Ukraina, vốn là đỉnh điểm gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraina, đã quay trở lại, nhưng không hoàn toàn. Việc trì hoãn điều khoản về tự do thương mại tới 2016 là kết quả của các cuộc thảo luận giữa EU, Nga và Ukraina ở Brussels (Bỉ) cuối tuần qua, và đây được xem là một nhượng bộ đáng kể đối với Nga. Tuyên bố chung cho biết, các bên liên quan sẽ sử dụng thời hạn trì hoãn này để tham vấn về cách xử lý những lo ngại do Nga đưa ra.
Tổng thống Poroshenko - người khởi động lại thỏa thuận này hồi tháng 6 vừa qua - nói rằng: “Trên thực tế đây là một chương trình cải tổ đối với Ukraina nhằm đảm bảo nền pháp quyền, tự do ngôn luận và các bước đi quyết định chống tham nhũng”. Việc thực thi thỏa thuận này lúc đầu được đề ra là tháng 11.2014, nhưng trong cuộc họp tuần trước, nó được hoãn tới tháng 12.2015. Mặc dù vậy, EU cho biết, Ukraina sẽ tiếp tục được hưởng chế độ thương mại phi thuế với EU cho tới lúc đó.
Việc ông Poroshenko đưa thỏa thuận này trở lại chương trình nghị sự được xem là đỉnh điểm trong cuộc xung đột chính trị ở Ukraina, đưa Ukraina tới gần hơn với EU và tách ra khỏi vùng ảnh hưởng của Nga. Tháng 11.2013, hàng trăm nghìn người Ukraina đã xuống đường phản đối Tổng thống Viktor Yanukovych khi đó bất ngờ quyết định hủy bỏ việc ký thỏa thuận đã được lên kế hoạch.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tỏ thái độ thù địch với Nga, khi xếp Nga là một mối đe dọa với NATO, giống như mối đe dọa từ tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngày 15.9, phát biểu tại Brussels nhân dịp sắp kết thúc nhiệm kỳ (30.9), ông Rasmussen nói rằng NATO đang ở tuyến đầu chia cắt địa chính trị giữa “sự khoan dung và sự cuồng tín”, giữa “dân chủ và sự độc tài”. Ông cho rằng các thành viên NATO phải kề vai đối phó với các mối đe dọa an ninh từ IS cũng như từ Nga. Ông cáo buộc rằng dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã bất chấp các luật lệ và cam kết về duy trì hòa bình ở Châu Âu và tiến hành chiến dịch quân sự bất hợp pháp chống lại Ukraina.
Còn từ Mátxcơva, Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin nói rằng, việc các nước NATO chuyển giao vũ khí cho Ukraina sẽ tiếp tay cho các tội ác chiến tranh ở miền đông Ukraina. “Chúng tôi nghe nói rằng chính quyền Ukraina đã được hứa hẹn chuyển giao vũ khí và khí tài quân sự từ các nước NATO khác nhau, và điều đó đe dọa trở thành sự can thiệp công khai vào nội bộ của Ukraina, nói chính xác là sẽ tiếp tay cho tội ác chiến tranh ở đó” - ông Naryshkin nói.
Đầu tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina nói rằng, nước này đã đồng ý về việc một số thành viên NATO sẽ cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho Ukraina. 4 trong số 5 nước được nêu tên, trong đó có Mỹ, đã bác bỏ tuyên bố này. Trước đó, các quan chức NATO nói, NATO sẽ không gửi “hỗ trợ gây chết người” đến Ukraina, nhưng các nước thành viên NATO có thể làm vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét