Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ nêu quan ngại về diễn biến ở Biển Đông hiện nay.
Chấm dứt các hành động làm phức tạp thêm các tranh chấp ở Biển Đông
Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 diễn ra từ ngày 8/6 tới 12/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, nêu rõ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn.
Những hoạt động này làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, gây lo ngại lớn trong các nước ASEAN cũng như các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, kiên trì khẳng định: những tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ các cam kết của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
VN kêu gọi chấm dứt ngay thay đổi nguyên trạng Biển Đông
|
Tại hội nghị này, đại sứ Việt Nam khẳng định ý nghĩa quan trọng của UNCLOS - “Hiến chương về Đại dương” trong việc tạo các khuôn khổ pháp lý góp phần thúc đẩy các hoạt động khai thác biển, đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại.
Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông lên nhiều diễn đàn quốc tế
Ngày 30/5, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La lần thứ 14, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bày tỏ quan ngại về hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các đảo đá tại Trường Sa của Việt Nam và cho rằng, đây là lo ngại chung của nhân dân Việt Nam.
Do đó, phía Trung Quốc cần có cách hành xử đúng với luật pháp quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích và mối quan hệ của nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, hai nước cũng bàn với nhau là quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, liên lạc thường xuyên, phải có trao đổi thẳng thắn và hết sức kiềm chế trên biển, nhằm đảm bảo không có sai lầm, gây ra những va chạm trên biển, đặc biệt là không để xảy ra xung đột.
Ngày 4/6, tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đã chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế biển và hội chợ triển lãm Kinh tế biển.
Phát biểu, Thủ tướng cho rằng, hiện nay, khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối Đông Bắc Á với châu Âu.
Rất tiếc, trên tuyến vận chuyển này, tại khu vực Biển Đông, Việt Nam, đang xảy ra hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá và xây dựng nhiều công trình quy mô lớn trái luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận khu vực; làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia; đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải hàng không.
Trong một diễn biến liên quan khác, tại phiên thảo luận chiều 8/6, Quốc hội kỳ 9, khóa 13, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (VN) đã đưa ra kiến nghị: "Thời gian tới cần phải tập trung đẩy mạnh dân sự hóa một số đảo lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa".
Theo đó liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Trung tướng Bế Xuân Trường cho rằng: "Việt Nam là một quốc gia biển, chúng ta cũng đã có nghị quyết về chiến lược biển là vươn ra biển, làm chủ về biển, mạnh lên, giàu lên vì biển.
Chính phủ cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đồng bộ đặc thù để cho người dân có kế sinh nhai, lập nghiệp, ổn định ở trên đảo lâu dài".
- Sơn Ca (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét