'Các vấn đề cấp bách và giải quyết xung đột ở Biển Đông' là chủ đề mà các nhà nghiên cứu, học giả tiếp tục bàn thảo.
Đây là chủ đề một hội nghị quốc tế lần 2 do Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga sẽ được tổ chức vào ngày 18/6 tới.
Theo ban tổ chức hội nghị về an ninh và hợp tác ở Biển Đông được tổ chức lần thứ 2 này là do cuộc xung đột ở Biển Đông tiếp tục trở thành một trong những điểm nóng căng thẳng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Thời gian qua nhiều hình thức đàm phán song chưa thể tìm ra giải pháp và thỏa hiệp chấp nhận được đối với tất cả các bên ở Biển Đông |
Các quốc gia liên quan trong một thời gian khá dài đã tiến hành nhiều hình thức đàm phán song chưa thể tìm ra giải pháp và thỏa hiệp chấp nhận được đối với tất cả các bên.
Vì vậy, hội nghị kỳ vọng đưa ra những giải pháp phù hợp nhất để có thể giải quyết xung đột.
Trước đó, tại hội nghị lần 1 tổ chức hồi tháng 10/2013 các ý kiến và khuyến nghị thu đã được các bên xung đột quan tâm và tham khảo trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết các vấn đề như đánh bắt thủy sản, phân định lãnh thổ lãnh hải, tự do hàng hải, thăm dò và khai thác dầu, khí…
Đây chính là lý do khiến lãnh đạo Viện Nghiên cứu phương Đông quyết định tổ chức tiếp hội nghị lần thứ hai này.
TTXVN dẫn thông tin cho biết, hội nghị lần 2 này sẽ có sự tham dự của các chuyên gia uy tín đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và một số quan chức, học giả Nga.
Các học giả và chuyên gia nghiên cứu luật biển quốc tế sẽ tập trung thảo luận những diễn biến mới nhất ở Biển Đông thời gian gần đây và đánh giá xu hướng phát triển tình hình trong thời gian tới, đồng thời đưa ra khuyến nghị làm giảm căng thẳng và biện pháp giải quyết các xung đột hiện nay.
Chỉ cách đây hơn 1 tuần, các học giả Nga cũng lên tiếng về vấn đề này tại hội thảo với chủ đề "Tranh chấp lãnh thổ và luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên mới".
Tại đây Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry V. Mosyakov - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) đã nêu bật những hành động sai trái và ý đồ của Trung Quốc trong các sự kiện gần đây.
Ông cho rằng giải pháp duy nhất để giải quyết tất cả những điều tiêu cực trên là Trung Quốc phải thay đổi đường lối, quay lại ý tưởng hợp tác với các nước láng giềng, tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được một thỏa hiệp trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
- Phương Nguyên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét