(TNO) Trung Quốc đã phớt lờ việc Mỹ yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, do vậy đã đến lúc Mỹ nên thiết lập một nền “hòa bình có vũ trang” trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ The Washington Times (Mỹ).
Trong bài viết trên tờ The Washington Times ngày 14.6, ông James A. Lyons, Đô đốc Hải quân Mỹ nghỉ hưu, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ; và chuyên gia Richard Fisher của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định rằng Trung Quốc phớt lờ đề nghị của Mỹ bởi vì Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông, bảo vệ căn cứ quân sự quan trọng ở đảo Hải Nam nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng quân sự toàn cầu.
Hiện đảo Hải Nam đã trở thành một căn cứ để đẩy mạnh sức mạnh hạt nhân và không gian của Trung Quốc, với đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Hải Nam cũng sẽ là nơi đồn trú một hoặc hai đội tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ lớn của Trung Quốc, giúp bảo vệ các tàu ngầm và đẩy mạnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt quân sự sang Trung Đông và hơn thế nữa, theo ông Lyons và ông Fisher.
“Từ năm 2016, một trung tâm không gian ở đảo Hải Nam sẽ được thiết lập để phóng vệ tinh hay tàu vũ trụ hỗ trợ tham vọng của quân đội Trung Quốc ở quỹ đạo tầng thấp của trái đất, và mặt trăng”, theo The Washington Times.
Ông Lyons và ông Fisher cho rằng tất cả những vụ phóng tên lửa này sẽ dễ bị ngăn chặn vì đi qua Biển Đông, nên quân đội Trung Quốc muốn quân sự hóa và độc chiểm Biển Đông để dễ kiểm soát.
Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xây dựng trái phép nhằm biến các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, bất chấp Mỹ và các nước láng giềng lên tiếng phản đối. Bắc Kinh có khả năng sẽ triển khai đến 30 máy bay quân sự và một đội tàu chiến đến căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo ông Lyons và ông Fisher.
Một lực lượng quân sự tương tự cũng sẽ được triển khai đến căn cứ quân sự trái phép đặt ở Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc sẽ bắt đầu kiểm soát quân sự khi nước này có thể và không bị thách thức”, các tác giả bài báo trên Washington Times nhận định. Trước đây, Trung Quốc từng đánh chiếm các bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa vào năm 1988 và chiếm bãi cạn Scarborough ở Biển Đông từ tay Philippines vào năm 2012.
Tuy nhiên, tham vọng bành trướng của Trung Quốc chỉ có thể trở thành một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược, khi và chỉ khi Washington khắc phục sai lầm của các đời Tổng thống trước đây vốn đánh giá thấp vấn đề an ninh và lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.
“Trong vòng 30 năm qua, các quan chức Mỹ từ chối bàn về tham vọng của Trung Quốc, một phần là vì chiến lược cường độ thấp của Trung Quốc”, theo tác giả Lyons và Fisher.
Đến nay, khi Trung Quốc tăng cường hoạt động bành trướng quân sự, bất chấp sự phản đối của Mỹ thì Washington mới lên tiếng chỉ trích, tuyên bố tăng cường tuần tra trên biển và trên không nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
“Vẫn còn chưa quá muộn để Washington có thể kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và toàn cầu”, theo hai tác giả.
Ông Lyons và ông Fisher cũng đề xuất một kế hoạch để Mỹ kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông: Mỹ nên phối hợp với Philippines xây dựng những căn cứ quân sự mới ở tỉnh đảo Palawan và triển khai khí tài quân sự để phá hủy những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép.
Đối với tuyến phòng thủ, Manila và Washington có thể xây dựng các căn cứ được trang bị tên lửa ở quần đảo Visayas và đảo Luzon, gần với Palawan. Washington cũng nên nhanh chóng triển khai và cung cấp cho Philippines các chiến đấu cơ đa chức năng và tên lửa.
Theo ước tính của ông Lyons và ông Fisher, với khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm ngắn do hãng Lockheed-Martin (Mỹ) sản xuất có thể phá hủy những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, nếu Bắc Kinh động thủ.
“Những hành động của Trung Quốc minh chứng Bắc Kinh xem chiến tranh là phương tiện để đạt được mục tiêu của nước này ở Biển Đông. Chỉ khi Trung Quốc kết luận họ không thể thắng trận thì Bắc Kinh mới cân nhắc những lựa chọn khác. Đối với Washington và các quốc gia Đông Nam Á, thiết lập những điều kiện cho một nền hòa bình có vũ trang là một lựa chọn thay thế cho chiến tranh”, ông Lyons và ông Fisher kết luận.
Phúc Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét