Dù không phải là thành viên cuộc tranh chấp ở Biển Đông và tuyên bố không đứng về bên nào nhưng với Nga, Biển Đông là một vấn đề quan trọng.
Ngày 18/6, lần thứ hai một hội nghị quốc tế về Biển Đông được Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức. Hội nghị lần 2, diễn ra hai năm sau hội nghị đầu tiên, quy tụ các chuyên gia uy tín đến từ EU, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và một số quan chức, học giả Nga.
Hội nghị kỳ vọng đưa ra những giải pháp phù hợp nhất để có thể giải quyết xung đột Biển Đông.
Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông diễn ra tại Moscow ngày 5/6 |
Trước đó ngày 5/6, các học giả Nga cũng đã lên tiếng về vấn đề này tại hội thảo "Tranh chấp lãnh thổ và luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên mới". GS.TS Dmitry V. Mosyakov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông đã nêu bật những hành động sai trái và ý đồ của Trung Quốc trong các sự kiện gần đây.
Ông cho rằng giải pháp duy nhất để giải quyết tất cả những điều tiêu cực trên là Trung Quốc phải thay đổi đường lối, quay lại ý tưởng hợp tác với các nước láng giềng, tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được một thỏa hiệp trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Sự tích cực này của phía các học giả Nga phần nào cho thấy thái độ quan tâm của Nga đối với vấn đề Biển Đông. Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, trên trang web của đài Tiếng nói nước Nga có những bài viết mà có ý kiến cho rằng thể hiện quan điểm “bàng quan” của Nga về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Khi đó, trong 2 bài viết của mình là “Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự trên đảo ở Biển Đông” và “Khi Trung Quốc tăng cường khả năng quốc phòng trong khu vực tranh chấp” ra lần lượt vào ngày 8/10/2014 và 15/10/2014, đài Tiếng nói nước Nga đã đưa tin về việc Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và đưa ra quan điểm của các học giả Nga về vấn đề này.
Chuyên viên Nga nổi tiếng, GS Dmitry Evstafiov khi ấy chỉ ra điều quan trọng là các bên tranh chấp cần phải kiềm chế không để cuộc xung đột chuyển sang vòng xoáy của xung đột quân sự. Tuy nhiên, vị học giả này không chỉ ra được nguyên nhân khiến căng thẳng không biến thành xung đột quân sự chủ yếu do thái độ kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản… (PV).
Ông này đưa ra quan điểm là Nga không phải là thành viên cuộc tranh chấp ở Biển Đông, vì thế Moscow sẽ không đứng về bên nào. Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tuyên bố, Moscow cho rằng sự can thiệp của nước thứ ba vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực quan trọng này là phản xây dựng.
Ông Aleksandr Lukin, Phó Giám đốc Học viện ngoại giao Nga cũng cho rằng, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á, Nga cần phải có “quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch” đối với tất cả các nước, bởi “tất cả các nước đó đều là đối tác của Moscow”.
Giải pháp hòa bình của Nga có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại-kinh tế và chính trị với tất cả các nước, và không để mình sa vào tình huống phải thực hiện sự lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc - Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
Để thực hiện chính sách này, Nga cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột chủ quyền và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào - đây là luận điểm được Moscow cho là đúng đắn nhưng vấn đề quan trọng là Nga không tham gia và cũng không hề đưa ra chính kiến về vấn đề đúng-sai trong những tranh chấp đó.
Dù không phải là thành viên cuộc tranh chấp ở Biển Đông và tuyên bố không đứng về bên nào nhưng với Nga, Biển Đông là một vấn đề quan trọng.
Vậy nhưng, trong cuộc giao lưu trực tuyến với VnExpress ngày 2/4, trả lời về lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông, tân đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov khẳng định, đối với Nga, đây là một vấn đề quan trọng.
"Trung Quốc và Việt Nam đều là đối tác gần gũi của chúng tôi. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai. Có một điều rất quan trọng là các công ty của chúng tôi đã đầu tư nhiều vào công tác khai thác dầu khí trên biển. Và chúng ta đã hoạt động rất lâu rồi trên vùng thềm lục địa, hơn 30 năm nay rồi. Khi chúng tôi đầu tư tiền bạc, chúng tôi muốn có sự bảo đảm về an ninh. Bởi vậy chúng tôi đã đang và sẽ làm tất cả những điều có thể để tránh xảy ra thảm kịch ở khu vực này.
Các bạn có nhớ giàn khoan 981 không? Trong thời gian đó Nga đã làm rất nhiều để làm giảm căng thẳng. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi cho rằng phải giải quyết tất cả những tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Không ồn ào, khoa trương, Nga thể hiện sự quan tâm và can thiệp đúng mực theo thông lệ quốc tế vào vấn đề Biển Đông. Như quan điểm các nhà lãnh đạo Nga từng bày tỏ khi gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam: các tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC).
- Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét