Thế giới đang dần trở thành một sòng bài Rulet khổng lồ, trong đó các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang vào vai những người chơi đua nhau nâng mức đặt cược của mình.
Đó đang là ví von của những nhà kinh tế học khi chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ khốc liệt nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Nhật sẽ không để Mỹ và châu Âu bắt tay nhau 'chơi xấu" nữa
Người người giảm giá đồng nội tệ, nhà nhà giảm giá đồng nội tệ khi mà số lượng các quốc gia tuyên bố hạ thấp tỷ giá đồng nội tệ của mình xuống đang ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Nhưng trong cái sòng bài Rulet ấy, đang nổi lên hai ứng cử viên nặng ký nhất cho một cuộc đua song mã hấp dẫn, là EU và Nhật Bản.
Cho đến tận bây giờ, người Nhật vẫn chưa quên mối hận về hậu quả kinh khủng mà EU đã gây ra cho nền kinh tế nước này cách đây hơn hai mươi năm.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, khi mà Nhật Bản đang ở đỉnh cao của sự thịnh vượng với một nền kinh tế hùng mạnh tung hoành ngang dọc trên khắp thế giới, lấn lướt cả Mỹ lẫn các nước Châu Âu khi hàng hóa Nhật có mặt ở khắp mọi nơi và đánh bại hầu hết các đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây, chính các nước Châu Âu khi đó đã bắt tay với Mỹ để ép Nhật phải nâng cao tỷ giá đồng Yen trong thỏa ước Plaza nổi tiếng.
Do đó, Nhật sẽ không để Mỹ và châu Âu bắt tay nhau "chơi xấu" lần nữa.
Theo đó, bề ngoài của sự ép buộc này là vì sự hồi phục của kinh tế Mỹ khi đó vốn vẫn là trọng tâm của kinh tế thế giới, nhưng thực chất nó đã đem lại sự hồi sinh cho kinh tế Mỹ bằng cái giá là sự sụp đổ của kinh tế Nhật.
Sau thỏa ước Plaza, kinh tế Nhật Bản từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu khi mà suy thoái ngự trị trên toàn bộ nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc, đẩy nước Nhật vào giai đoạn hai thập kỷ chìm trong giảm phát.
Cũng chính vì muốn thoát ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài hơn hai thập kỷ, mà người Nhật phải lao vào một cuộc cải cách kinh tế đồ sộ do thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng vào cuối năm 2012.
Sau hơn hai năm nỗ lực, người Nhật cuối cùng cũng thu được những thành quả xứng đáng, thì lại một lần nữa bóng ma từ Châu Âu có vẻ như vẫn chưa buông tha cho xứ sở mặt trời mọc.
EU giờ đây không còn liên kết với Mỹ để ép Nhật như cách đây hơn hai mươi năm nữa, mà Liên minh châu Âu đã trở thành đối thủ chính và trực tiếp của Nhật Bản trên con đường cải cách nền kinh tế, bằng một cuộc chiến tỷ giá khốc liệt.
Nhật Bản chính là nước đi đầu trong cuộc chiến tiền tệ toàn cầu khi bắt đầu một chiến dịch quy mô để ghìm giá đồng Yen cách đây hai năm khi kế hoạch cải tổ kinh tế vẫn thường được gọi là Abenomics được triển khai.
Ghìm giá đồng Yen là một trong những biện pháp quan trọng nhất để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản của thủ tướng Shinzo Abe khi nó sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Nhật cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài khi tài sản ở Nhật giảm giá sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Và giờ đây sự hiệu quả đó của người Nhật đang được Liên minh châu Âu áp dụng khi hạ tỷ giá cũng đang là con bài chiến lược mà Ngân hàng trung ương châu Âu ECB tung ra trong biện pháp tổng hợp để đưa nền kinh tế khu vực đồng tiền chung thoát khỏi giảm phát – một nguy cơ tương tự mà người Nhật đang phải giải quyết từ hơn 2 năm nay.
Theo đó, Gói kích thích kinh tế được gọi là QE trị giá trên 1100 tỷ Euro mà Ngân hàng trung ương Châu Âu ECB tung ra được dự tính sẽ khiến tỷ giá đồng Euro đạt mức suy giảm mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, vượt mặt cả đồng Yen.
Theo ước tính sau khi gói kích thích QE được khởi động, đồng Euro sẽ có mức giảm giá lên tới 10% so với đồng USD vào cuối năm nay để chính thức đạt được một sự ngang giá giữa đồng Euro và USD lần đầu tiên kể từ năm 2002, trong khi đó đồng Yen được dự đoán sẽ chỉ sụt giảm tỷ giá khoảng 8% so với đồng USD.
Sự sụt giảm mạnh mẽ của đồng Euro vì thế sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với Nhật Bản khi mà hàng hóa từ EU sẽ có mức cạnh tranh rất khốc liệt với hàng xuất khẩu từ Nhật.
Dù thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi tuyên bố sự sụt giá của đồng Euro chỉ là hệ quả phụ từ việc triển khai gói kích thích kinh tế QE chứ ECB không có ý định khai mào một cuộc chiến tỷ giá với Nhật, thì ai cũng hiểu rằng cái gọi là hệ quả phụ đó cũng đang đem lại cho EU những lợi thế không hề nhỏ trong cuộc cạnh tranh với hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng thách thức và cản trở từ phía EU thông qua việc hạ tỷ giá đồng Euro sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của cuộc cải tổ nền kinh tế của Nhật Bản trong thời gian tới.
Sở dĩ như thế, là vì người Nhật đã tiến hành chiến lược hạ tỷ giá đồng Yen được hai năm kể từ khi Abenomics được triển khai, và họ đã thu được những thành quả lớn, hiệu quả cải tổ nền kinh tế Nhật giờ đây không còn phụ thuộc quá nhiều vào tỷ giá và xuất khẩu như cách đây hai năm nữa.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda tuyên bố ông thấy không cần thiết phải để bơm thêm một gói kích thích mới trị giá khoảng 80 ngàn tỷ Yen (tương đương 667 tỷ USD) ở thời điểm hiện tại, khi mà mức lạm phát và các chỉ số của nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang ổn định và đạt ngưỡng khá lý tưởng.
Ngược lại, chính EU mới đang là những người cần lo ngại ở thời điểm hiện tại, khi nguy cơ giảm phát mà họ đối mặt cũng đang nguy hiểm không kém so với hoàn cảnh của người Nhật cách đây hơn 2 năm, trước khi Abenomics được triển khai.
Kinh nghiệm trong hai năm triển khai Abenomics của người Nhật cho thấy, chỉ hạ tỷ giá đồng nội tệ là không đủ để đẩy lùi nạn giảm phát, cần phải có một chiến lược toàn diện và tổng hợp hơn nhiều.
Với thủ tướng Shinzo Abe, hạ tỷ giá chỉ là một trong ba mũi tên của ông là hạ tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu và tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế Nhật.
EU đang tỏ ra gặp nhiều khó khăn hơn nhiều trong việc triển khai một giải pháp tổng hợp như vậy khi Liên minh châu Âu hiện nay vẫn chỉ là một liên minh về kinh tế, nó chưa có một bộ não trung ương đủ quyền lực để có thể tung ra một chiến lược phức tạp và quy mô như vậy.
Lời tuyên bố không cần thiết phải tung một gói kích thích kinh tế mới của thống đốc Kuroda vì thế cũng đang ngầm chứa một hàm ý thách thức đối với EU, đó là “hãy cứ để họ hạ tỷ giá nếu muốn, nhưng cũng chẳng có mấy tác dụng đâu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét