Trong khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn âm ỉ, phương Tây vẫn luôn đổ trách nhiệm và đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga, thì ở trong nước, vụ việc chính trị gia Đảng đối lập Nga Boris Nemtsov bị ám sát gây xôn xao dư luận.
Chính trị gia Boris Nemtsov bị bắn chết ngay tại trung tâm thủ đô Moscow vào 23h40 (giờ địa phương) ngày 27/2. Cái chết của chính trị gia này đã gây rúng động nước Nga và trên toàn thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo đã lên án về vụ sát hại nói trên và kêu gọi nhanh chóng điều tra để đưa những kẻ thủ ác ra trước ánh sáng công lý.
Hoa và nến cùng di ảnh mà người dân Nga đặt để tưởng nhớ đến chính trị gia Nemtsov (ảnh: Ria Novosti)
Điều đặc biệt ở đây là, chính trị gia Boris Nemtsov từng lên tiếng chỉ trích nặng nề các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông này cũng được cho là đã thu thập chứng cứ cho thấy sự tham gia trực tiếp của Nga vào cuộc xung đột ở Ukraine. Bởi thế, báo chí phương Tây nhân cơ hội này lại tiếp tục “chĩa mũi dùi” vào chính quyền Moscow.
Ông Nemtsov thiệt mạng nhưng Tổng thống Putin mới là nạn nhân
Đối với phương Tây, có lẽ chẳng có gì hiển nhiên hơn khi đổ lỗi cho nhà cầm quyền ở Moscow về những bi kịch vừa xảy ra, nhất là khi Moscow và phương Tây đang có xu hướng ngày càng đối đầu nhau.
Các câu chuyện tràn ngập mặt báo ở phương Tây đều “chĩa mũi dùi” vào Tổng thống Nga Putin, đặt những cái tít giật gân và bóng gió, câu khách khiến cho người đọc dễ bị thu hút.
Ví dụ như bài báo trên tờ Telegraph (Anh) với tiêu đề “Tổng thống Nga Putin lên án tội ác chính trị đáng xấu hổ sau vụ ám sát Boris Nemtsov”, nhưng bên trong nội dung bài báo này lại viết “Lời hứa của Tổng thống Nga không thể làm giảm sự nghi ngờ của những người ủng hộ ông Nemtsov”.
Hay như tờ Bloomberg với bài báo “Cái chết của Nemtsov và chế độ cai trị của Putin” có đoạn “Vụ ám sát ông Nemtsov- dù là người ra lệnh hay người thực hiện mệnh lệnh- đều có bàn tay của các nhà lãnh đạo Nga”…
Tuy nhiên, dường như các nhà báo phương Tây đã bỏ quên một điều rằng, chính Tổng thống Putin mới là nạn nhân chính trong vụ ám sát chính trị gia Đảng đối lập Boris Nemtsov. Rõ ràng, việc ám sát chính trị gia Đảng đối lập có thể gây nên chấn động lớn nên không đời nào ông Putin lại tự rước rắc rối vào thân theo cách như vậy.
Nhà bình luận Dmitry Babich đã liệt kê ra 3 bất lợi đang bủa vây Tổng thống Putin sau vụ ám sát ông Nemtsov xảy ra.
Thứ nhất, những nhà bất đồng chính kiến thực tế lại rất cần cho Tổng thống Putin. Sự ra đi của ông Nemtsov chính là nỗi mất mát đối với chính quyền Moscow bởi Moscow cần những người có ý kiến khác biệt để duy trì một nền dân chủ.
Thứ hai, ông Babich công nhận rằng ông Nemtsov cũng là người có đôi chút ảnh hưởng đến công chúng Nga. Ông Nemtsov sẽ không thể là một chính trị gia thành công khi mà ông không nhận được nhiều lá phiếu từ công chúng trong các cuộc bầu cử suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên, ông Babich nhấn mạnh thêm rằng, hơn 80% người dân Nga vẫn đang ủng hộ ông Putin, bất chấp lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây và hoàn cảnh kinh tế chật vật trong nước, một nhân vật dẫu hấp dẫn nhưng chỉ có chút ảnh hưởng như ông Nemtsov không thể coi là mối đe dọa cho Kremlin.
Thứ ba, ông Nemtsov bị ám sát trong một bối cảnh có thể dẫn đến những phức tạp ở Moscow.
Các thuyết âm mưu giả định rằng cái chết của ông Nemtsov có sự can thiệp của phương Tây, và ông Nemtsov có thể chỉ là nước cờ “thí xe” nhằm mục đích có thể “gây bất ổn” cho chính quyền Putin, tạo ra một cuộc cách mạng kiểu Maidan ở Moscow (như đã từng xảy ra ở Kiev năm ngoái).
Giả thiết này không phải quá xa vời, nhưng không dễ xảy ra trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang là chất keo gắn kết đa số người Nga.
Truyền thông phương Tây có thể đã tô đậm và làm ầm ĩ các nguyên nhân, giả thiết gây nên cái chết ông Nemtsov, nhưng đối với đời sống chính trị Nga lại không có nhiều thay đổi, nhà nghiên cứu Dmitry Babich nhấn mạnh.
Eliot Borenshtayn, một giáo sư tại Đại học New York, trong bài viết của mình cho The Huffington Post ghi nhận chính quyền Nga chẳng có lợi ích gì trong việc giết Nemtsov. "Tôi không nghĩ rằng Putin đã ra lệnh giết người. Ông ta chẳng được lợi lộc gì từ việc giết chết một con người, mà ông ta đã cách ly thành công ra khỏi chính trường trong hơn một thập kỷ qua" - Borenshtayn viết.
Chính quyền của ông Putin phải đối mặt với nhiều khó khăn
Những khó khăn trên chưa phải là tất cả mà Tổng thống Nga Valadimir Putin đang phải gánh vác. Nước Nga đang đứng ở trong thời khắc mà nền kinh tế đang chơi vơi, giá dầu tăng, và đồng ruble sụt giá thảm hại.
Loạt đòn trừng phạt Nga của phương Tây có lẽ sẽ không phát huy hết “tác dụng” như trên nếu giá dầu không đột ngột lao dốc thảm hại từ giữa năm 2014.
Kể từ đó đến tháng 11/2014, dưới sức ép trừng phạt và đà lao dốc của giá dầu, chính phủ Nga liên tiếp mất hàng tỷ USD trong doanh thu ngân sách từ dầu; đồng thời, bị "đá" ra khỏi các thị trường vốn lớn nhất thế giới.
Đến tháng 12/2014, ngân hàng trung ương Nga buộc phải tung gói cứu trợ cho doanh nghiệp dầu khí quốc doanh Rosneft để duy trì hoạt động.
Hầu hết các ngân hàng đều dự báo GDP của Nga sẽ giảm một vài phần trăm trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nền kinh tế Nga sẽ giảm 1,5% trong năm 2015. Nhưng dự báo này dựa trên giá dầu thô trung bình 70 USD/thùng, cao hơn mức giá dầu thế giới hiện nay 10 USD/thùng.
Ông Anders Aslund, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, dự báo nền kinh tế Nga có thể suy giảm 10% trong năm 2015. Đây sẽ là mức suy giảm mạnh nhất của kinh tế Nga kể từ khi nước này bị vỡ nợ vào năm 1998.
Đáng lo ngại hơn, đầu tháng 3/2015, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ tiếp tục lên tiếng cảnh báo sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga nếu thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng.
Bài toán kinh tế cho nước Nga mà Tổng thống Putin phải giải quyết thật không hề dễ dàng gì trong bối cảnh Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép, muốn “trừng phạt” mạnh tay.
Mới đây tạp chí Forbes cho công bố xếp hạng tỷ phú thế giới thường niên. Điều đáng chú ý trong danh sách tỷ phú này, Nga là nước có số lượng tỷ phú giảm mạnh nhất trong năm qua.
Xứ bạch dương hiện chỉ có 88 tỷ phú giảm hẳn so với mức 111 tỷ phú trong xếp hạng năm ngoái. Hiện số tỷ phú của Nga ít hơn cả Mỹ, Trung Quốc, Đức, và Ấn Độ.
Mọi toan tính gây sức ép lên Tổng thống Putin đều vô ích
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ mọi cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hòng làm ông thay đổi lập trường đều hoàn toàn vô ích.
Trả lời cho câu hỏi liệu Nga có thay đổi lập trường của mình vì những biện pháp trừng phạt của Phương Tây hay không, ông Peskov nhấn mạnh: "Ở những cấp độ khác nhau và không chỉ một lần, chúng tôi đã chỉ ra rằng mọi toan tính hòng gây áp lực lên ông Putin hoặc làm thay đổi lập trường dưới sức ép đều hoàn toàn vô vọng".
Mọi cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hòng làm ông thay đổi lập trường đều hoàn toàn vô ích (ảnh: Sputnik News)
Ngày 4/3, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh thêm, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể gây khó khăn đối với kinh tế Nga nhưng cũng có thể làm tổn hại đến các doanh nghiệp phương Tây và nền kinh tế toàn cầu.
Trong bài viết mới đây, chuyên gia cao cấp Felix K. Chang thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Mỹ (FPRI) nhận định, có một sự thật về các chương trình trừng phạt kinh tế mà những quan chức của Nhà Trắng không dám thừa nhận, hay chí ít là không dám thừa nhận một cách đúng mực là họ chưa bao giờ thành công.
Chuyên gia Felix Chang cho biết thêm, các đòn trừng phạt ấy chỉ làm cho đối thủ hơi chao đảo chút ít lúc ban đầu nhưng về sau chính nó lại khiến “những nước bị trừng phạt” lại trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong thực tế, Nga đang chuyển mình một cách năng động hơn, doanh nghiệp của Nga ngày càng biết cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ chủ động hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt, Nga còn đẩy mạnh việc bán các loại vũ khí hiện đại cho Trung Quốc nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước cũng như nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Nga cũng nhanh chóng thiết lập liên minh kinh tế Á-Âu với sự tham gia của Nga, Belarus và Kazakhstan. Liên minh này sẽ tiếp nhận thêm Kyrgyzstan vào tháng 5 tới và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm.
Tiến sĩ Khoa học Chính trị Igor Bocharnikov - lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Các vấn đề an ninh của Nga cho biết, phương hướng chiến lược liên minh kinh tế Á-Âu vô cùng quan trọng đối với đất nước.
Ông Igor Bocharnikov phân tích, liên minh kinh tế Á – Âu sẽ giúp Nga tăng cường sự ảnh hưởng của mình trên toàn không gian châu Á - từ Trung Đông đến Viễn Đông - với mục tiêu là khẳng định vai trò của Nga như một quốc gia Á-Âu hàng đầu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét