(PetroTimes) - Sau khi cố giành giật Ukraina về phía mình để rồi đẩy cả khối lao vào cuộc đối đầu với Nga, Liên minh châu Âu giờ đã cảm thấy “hối hận” và bắt đầu rút ra bài học cho mình trong chính sách ngoại giao.
Cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra cách đây hơn một năm bắt nguồn từ việc phe đối lập chính quyền Kiev muốn ký hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu, điều mà Tổng thống Viktor Yanukovytch khi đó đã từ chối. Đúng ngày 21/2/2014, Tổng thống Yanukovytch đã bị phe thân phương Tây lật đổ khiến ông phải chạy khỏi Kiev bỏ lại quyền lực. Từ đó, đất nước Ukraina vào vòng hỗn loạn, chia cắt và nội chiến.
Một ngày sau, Quốc hội Ukraina do đối lập kiểm soát, ra quyết định phế truất Tổng thống Yanukovych vì ông này đã không ngả theo phương Tây. Đây là bước khởi đầu cho của khủng hoảng Ukraina hiện nay và cũng là ngày cuối cùng của Cộng hòa Ukraina thống nhất với 44,8 triệu dân trên một vùng lãnh thổ rộng đến 603.700 km2.
Ngày 6/3/2014, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crưm thuộc Ukraina nhất trí sẽ gia nhập nước Nga. Đây là ngày đánh dấu cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraina và phương Tây bắt đầu tăng nhiệt.
Các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu và Mỹ từ đó liên tục được đưa ra và để đáp trả, Nga cũng trả đũa với cả phương Tây và Ukraina. Cuộc đối đầu này còn lâu mới kết thúc nhưng những tổn hại về kinh tế và uy tín thì đã rõ: cả hai phe đều thiệt hại.
Có thể nói một năm sau các cuộc “ăn miếng trả miếng” giữa châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung với Nga, nay châu Âu đã cảm thấy “thấm mệt” và giờ là lúc họ đang suy nghĩ lại. Có được Ukraina rồi sao? Hàng tháng họ vẫn phải cho Ukraina vay tiền để chi tiêu, trong khi tình hình nội bộ khối EU cũng chả yên ổn gì với Hy Lạp, Tây Ban Nha, rồi vấn đề khủng bố...
Ngày 4/3/2015, châu Âu đã khởi động việc duyệt xét lại “chính sách lân bang” của mình đối với 16 quốc gia có biên giới với châu Âu. Chính bà Federica Mogherini, đại diện ngoại giao châu Âu đã thông báo quyết định trên nhân một cuộc họp báo tại Bruxelles.
Chính sách lân bang là cách thức quản lý các mối quan hệ của Liên minh châu Âu với các láng giềng khác nhau, từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở phía đông cho đến các nước xung quanh Địa Trung Hải.
Theo giới truyền thông châu Âu, dù không thú nhận một cách rõ ràng, nhưng việc duyệt xét lại này bắt nguồn từ việc rút tỉa kinh nghiệm sai lầm trong chính sách áp dụng với Ukraina, vốn đã động chạm đến Nga, dẫn đến cuộc chiến hiện nay.
Châu Âu muốn áp dụng một chính sách linh hoạt hơn, thích ứng hơn với đặc thù của từng nước, trên cơ sở một mối quan hệ bình đẳng, không chỉ tập trung vào thương mại và nhập cư, mà còn chú ý đến các vấn đề an ninh và năng lượng.
Nhưng nói rằng cách tiếp cận cho đến nay không tốt, thì đó là điều mà giới lãnh đạo châu Âu không thừa nhận, cũng như là họ không công nhận là chính cách thức đàm phán của Liên minh châu Âu với Ukraina trước đây – bắt nguồn từ chính sách lân bang hiện hữu - đã có những tác động tiêu cực.
Theo một số nhà quan sát, chính các thỏa thuận với Ukraina, làm khủng hoảng bùng lên, là một ví dụ điển hình về cách áp dụng chính sách lân bang một cách máy móc, không chú ý đến các tác động địa chính trị, cụ thể đến quan hệ Nga-Ukraina.
Việc duyệt lại chính sách lân bang có thể là bước đầu của tiến trình công nhận sai lầm trong quá khứ của châu Âu, nhưng liệu điều đó có giúp phục hồi các công trình hợp tác với Nga và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Câu trả lời còn ở phía trước.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét