(Tin tức 24h) - Trung Quốc vừa bất ngờ ‘dịu giọng’ khi tuyên bố rằng thông tin nước này sẽ thiết lập 18 căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương là không đúng sự thật.
Phản ứng của Trung Quốc trước cáo buộc của Ấn Độ
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói trong một cuộc họp báo: "Thông tin đó không chính xác". Ông Cảnh đang nhắc đến thông tin được đăng trên tờ Namibian hôm 11/11, dẫn một nguồn truyền thông Trung Quốc. Theo tờ báo này, Trung Quốc dự kiến thiết lập 18 căn cứ hải quân ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và nhiều nơi khác ở Tây và Nam Ấn Độ Dương.
Thông tin Trung Quốc chuẩn bị xây dựng căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương được tờ Namibian đưa ra theo nhiều nguồn tin khác nhau, đặ biệt là dựa trên sự xuất hiện bất thường của các tàu ngâm thuộc Hải quân Trung Quốc trên vùng biển này trong thời gian gần đây.
Tàu ngầm Trung Quốc trong chuyến thăm Sri Lanka |
Tuy nhiên thông tin này lập tức bị Trung Quốc bác bỏ, theo ông Cảnh, việc tàu ngầm của quân đội Trung Quốc đã hai lần "neo đậu kỹ thuật" tại cảng Colombo ở Sri Lanka trong lúc đang làm nhiệm vụ hộ tống cho hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden tại Somalia.
Sự hiện diện của tàu ngầm trên đã gây ra mối lo ngại cho Ấn Độ, nhất là khi cảng Colombo được cải tạo với nguồn kinh phí lớn từ Trung Quốc. Ấn Độ được cho là đã nêu ra vấn đề này với Sri Lanka. "Việc các tàu ngầm neo ở các cảng nhất định để tiếp tế là khá phổ biến", PTI dẫn lời ông Cảnh nói.
Vì sao Trung Quốc không to tiếng vào thời điểm hiện tại?
Việc Trung Quốc bất ngờ dịu giọng trong khi nói đến cáo buộc từ phía Ấn Độ được coi lành động rất hiếm gặp của Bắc Kinh. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra gần đây đã chỉ ra nguyên nhân về phản ứng ‘lạ’ của Trung Quốc.
Mới đây nhất là ngày 20/11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Nghị quyết được Hạ viện Mỹ thông qua mang mã số H.Res-714, tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ và quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki |
Nghị quyết nhấn mạnh Mỹ ủng hộ và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết cũng lên án mọi hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực cản trở quyền tự do đi lại tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Bản Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế, đồng thời hối thúc Bắc Kinh không lập ADIZ tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Nghị quyết còn kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng nhắc tới hàng loạt trường hợp Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua, đặc biệt là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động bất hợp pháp trong vùng thềm lục địa Việt Nam.
Không chỉ có Nghị quyết của Hạ viện Mỹ đưa Trung Quốc vào thế bất lợi, giữa tháng 10/2014, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên Biển.
“Lập trường của Mỹ không thay đổi, Washington chắc chắn sẽ hợp tác với các nước trong khu vực giải quyết vấn đề tranh chấp hàng hải”, phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết và khẳng định thêm, Ấn Độ là đối tác quan trọng đối với Mỹ và bác bỏ phản ứng của Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chung Mỹ-Ấn.
Tuyên bố chung Mỹ-Ấn được công bố sau hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng cuối tháng 9/2014. Tuyên bố chung khẳng định hai bên quan ngại trước tình hình gia tăng căng thẳng về tranh chấp hàng hải.
Tuyên bố chung nhấn mạnh về tự do hàng hải và quyền tự do bay qua, đặc biệt ở Biển Đông đồng thời kêu gọi tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền.
Dù sau đó, Trung Quốc đã phản ứng mạnh trước tuyên bố chung Mỹ-Ấn và cho rằng tranh chấp hàng hải phải được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan chứ bên thứ ba không được can thiệp. Tuy nhiên việc Trung Quốc có phản ứng 'yếu ớt' trước cáo buộc của Ấn Độ về việc Trung Quốc xây căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương đã cho thấy điều ngược lại.
Ngọc Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét