Trong 5 năm tới, Anh chắc chắn sẽ trở thành quốc gia khó đoán về chính trị nhất châu Âu.
Trong 5 năm qua, Anh là “thiên đường” của sự ổn định cả về chính trị và kinh tế trong bối cảnh cả châu Âu bất ổn. Tuy nhiên mọi thứ đã kết thúc. Trong 5 năm tới, Anh chắc chắn sẽ trở thành quốc gia khó đoán về chính trị nhất châu Âu. Dấu hiệu đầu tiên của nguy cơ này là việc Anh đột nhiên thu hút cả thế giới khi Scotland trưng cầu dân ý hồi tháng 9 về việc có nên ở lại nước Anh hay tách rời độc lập. Đây là tín hiệu cho thấy một thất bại của Thủ tướng David Cameron.
Tuy nhiên, việc đánh mất vị trí “thiên đường an toàn” chưa tác động tới giá trị tài sản của quốc gia này, nhất là đồng Bảng Anh. Bảng Anh hiện gần đạt mức cao nhất kể từ 2008 mặc dù thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của nước này so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện ở mức cao nhất châu Âu.
Mặc dù Anh sắp trải qua một cuộc bầu cử rất khó dự đoán kết quả vào ngày 7/5 năm sau, hầu hết các nhà đầu tư và nhà kinh doanh vẫn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc bất ổn chính trị sẽ có tác động nhất định đến các điều kiện kinh tế, bởi 3 lý do:
Thứ nhất, nước này có thể không lựa chọn được chính phủ lãnh đạo sau cuộc bầu cử, bởi không có một đảng hoặc liên minh đảng nào có đủ số phiếu hoặc đồng thuận để trở thành một chính phủ chiếm đa số ghế. Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều không giành được đủ số ghế để thành lập một chính phủ chiếm đa số ghế, kể cả khi liên minh với đảng Dân chủ Tự do.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy kết quả luôn có sự thay đổi. Ví dụ với riêng hai đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ và Công đảng, kết quả thăm dò tháng 10 cho thấy Công đảng giành được 33% tỷ lệ ủng hộ của cử tri so với 30% của đảng Bảo thủ. Trong khi đó kết quả thăm dò tháng 11 đảo ngược lại, 32% cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ và chỉ 29% giành cho Công đảng. Và mặc dù vậy, kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy cả 2 đảng này đều không đủ số ghế đa số để tự lập chính phủ riêng. Và thậm chí một liên minh cầm quyền mới có thể phải bao gồm không chỉ 2 đảng mà cả 3 hoặc 4, gồm cả các nhóm dân tộc.
Rắc rối chưa dừng ở đó. Kết quả thăm dò cho thấy Đảng Quốc gia Scotland chắc chắn sẽ đòi tách Scotland độc lập ra khỏi Vương quốc Anh, trong khi đảng Độc lập Vương quốc Anh sẽ nhằm tách Anh ra khỏi liên minh châu Âu (EU). Thật khó hình dung đảng Bảo thủ hay Công đảng sẽ đồng ý với những điều kiện này. Điều đó có nghĩa là chính phủ có thể phải được thành lập mà không có một đa số đảng nào nắm ghế trong Quốc hội. Trong khi ở châu Âu khá phổ biến việc chính phủ bao gồm nhiều đảng liên kết thì Quốc hội Anh đã từng một lần thất bại khi xây dựng một chính phủ của đảng chiếm đa số ghế - trong một giai đoạn vào năm 1974 dưới thời Thủ tướng Harold Wilson.
Thứ hai, hiện đang dấy lên lo ngại rằng một chính phủ liên minh nhiều đảng, ngay cả khi được dàn xếp thỏa thuận sau những bất đồng khi bầu cử, cũng sẽ có thể sụp đổ chỉ trong vòng một đến hai năm. Cho dù Thủ tướng mới vẫn là ông Cameron hay sẽ là ông Ed Miliband của Công đảng, người đó có thể sẽ chỉ kiểm soát được chính phủ của mình trong ngắn hạn, bởi chỉ có thể thông qua những biện pháp không gây tranh cãi.
Chậm nhất là vào năm 2016 hoặc 2017, các đảng đối lập chắc chắn sẽ chỉ đoàn kết trong một cuộc bỏ phiếu bất không tín nhiệm cho một vấn đề lớn – làm sụp đổ chính phủ. Điều này sẽ buộc dẫn tới một cuộc bầu cử mới mặc dù về mặt lý thuyết thì Quốc hội phải hoạt động trong một nhiệm kỳ 5 năm. Và một cuộc bầu cử sớm vào năm 2016 hoặc 2017 gần như chắc chắn sẽ có nội dung liên quan đến sự hoài nghi về đồng euro, về việc tách nước Anh ra khỏi EU…
Gần như không thể tiếp tục một liên minh như hiện nay vì cam kết của Thủ tướng Cameron trước đây rằng sẽ thương lượng về mối quan hệ giữa Anh với EU và sau đó sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trước cuối năm 2017 về việc ở lại hay rời khỏi EU, miễn là ông Cameron giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào năm 2015.
Lựa chọn hợp lý hơn là một chính phủ được sự hỗ trợ của đảng Quốc gia Scotland và đảng Độc lập vương quốc Anh (UKIP). Nhưng việc cùng nhau trong một liên minh như vậy sẽ dẫn tới một cuộc trưng cầu về EU bởi UKIP có xu hướng bài trừ EU, như vậy rất khó được chấp nhận bởi các thành viên còn lại ở châu Âu…
Chính trị nước Anh sắp tới có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra. Đặc biệt dự báo sẽ có nhiều bất ngờ trong giai đoạn từ nay tới năm 2017. Sự thận trọng của các cử tri nước Anh là câu hỏi lớn chưa có lời giải vào lúc này. Và điều gì cũng có thể xảy ra, như đã từng xảy ra với cuộc trưng cầu về sự độc lập của Scotland.
Nhưng dù điều gì xảy ra thì cũng sẽ dẫn đến một cuộc hoảng loạn chính trị, đặc biệt trong khoảng thời gian 6 tháng trước khi bầu cử, và kéo dài sau đó, và có khả năng dẫn đến bầu cứ sớm và sau đó là trưng cầu dân ý về việc tách khỏi EU vào năm 2017. Còn bây giờ là lúc chỉ có thể đoán và chờ xem.
Vân Chi
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét