Đảng cộng sản Moldova nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân |
Trong lúc Ukraine đang hô hào xích lại phương Tây để “thoát Nga” bằng việc phấn đấu gia nhập NATO và EU thì quốc gia giáp biên giới phía Tây của họ lại đang có chuyện ngược lại. Phe thân Nga tại Moldova đang thắng thế trước cuộc bầu cử vào ngày mai 30.11.
Theo Bloomberg, trong cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử, Đảng Cộng sản Moldova đang dẫn điểm khá lớn so với đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Điều đáng nói, hai phe này có xu thế rất khác nhau trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Nga.
Đảng Cộng sản nhận được 19,6% sự ủng hộ của cử tri, còn Đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Iurie Leanca nhận được 17,2% ủng hộ, theo hãng thông tấn Infotag cho biết dựa trên một cuộc khảo sát do công ty IMAS thực hiện từ 24.11.
Ngoài ra, còn có 3 đảng nhận trên 6% sự ủng hộ để có thể chen chân vào Quốc hội. Đáng chú ý, trong đó có cả phe thân Nga Patria, một đảng phái bị chính phủ buộc tội là nhận tiền tài trợ từ Nga, cũng nhận được 8,7% sự ủng hộ của cử tri.
Do đảng Patria bị chính phủ Moldova ép loại khỏi cuộc đua nên có thể nhiều cử tri bỏ phiếu cho Patria sẽ dồn phiếu cho đảng Cộng sản Moldova. Điều đó lại càng đảm bảo ưu thế chiến thắng cho họ. Khi giành được số phiếu cao nhất, đảng Cộng sản Moldova có quyền thành lập chính quyền và đi theo con đường đối ngoại đối lập với chính phủ hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Có thể coi Moldova là một hình ảnh thu nhỏ của Ukraine. Quốc gia chỉ với 3,6 triệu dân này có khu vực ly khai Transnistria nằm ở phía đông (giáp biên giới phía Tây Ukraine).
Sau khi Nga sát nhập Crimea vào tháng 3, người dân Transnistria trong tháng 4 đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin sát nhập luôn Transnistria vào Nga. Để đối chọi lại chuyện này, đến tháng 6, Moldova, Ukraine và Georgia - các quốc gia cùng thuộc Liên Xô cũ và đều có vấn đề lãnh thổ ly khai với Nga - cùng ký kết các thỏa thuận hợp tác với EU.
Moldova là một trong những nước được thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị EU cần phải đặc biệt lưu ý nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga tại đây nhằm tránh làn sóng “thân Nga” lan sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các nước vùng Balkans.
"Tôi không muốn quay lại vào tình huống đó (Nga duy trì ảnh hưởng tại Đông Âu)", bà Merkel nói ở Sydney khi sang Úc dự hội nghị G-20. "Đây không chỉ là chuyện ở Ukraine, mà còn ở Moldova - thậm chí Serbia và vùng Balkan, vùng Baltic. Đức không muốn như vậy".
Bloomberg cho rằng chính phủ hiện tại mất phiếu là do hùa theo phương Tây chống lại Nga và chịu trừng phạt kinh tế của Nga. Kết quả là xuất khẩu giảm mạnh và người dân Moldova lại muốn quay về làm ăn với Nga.
Anh Tú (theo Bloomberg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét