Tổng thống Putin cho rằng phương Tây đang kích động Nga để khơi mào một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới và việc "mở rộng phạm vi hoạt động" của NATO tại châu Âu đang làm "thay đổi cuộc chơi địa chính trị.
Tuyên bố trên của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ARD tại Vladivostok hồi tuần trước, sau khi Moscow trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Latvia trước cáo buộc làm gián điệp.
Khi người dẫn chương trình trên kênh truyền hình ARD hỏi liệu rằng những lời cáo buộc lẫn nhau giữa Moscow và Washington cũng như việc quân đội Nga tăng cường sự hiện diện gần các nước phương Tây có dẫn tới một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới, Tổng thống Putin nhấn mạnh chính hoạt động 2 lần mở rộng phạm vi hoạt động tại Trung Âu và Đông Âu mới là yếu tố làm "thay đổi cuộc chơi địa chính trị", buộc Nga phải đưa ra phản ứng.
Thủ tướng Australia Abbott và Tổng thống Nga Putin hội đàm trong hội nghị G20. |
Ông Putin nói thêm rằng việc Moscow sắp xếp lại các chuyến bay hàng không chiến lược ra nước ngoài cách đây vài năm cũng là nhằm phản ứng trước sự hiện diện các máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ gần không phận Nga. Tình huống này tương tự như sau thời Chiến tranh Lạnh.
"NATO và Mỹ có nhiều căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn cầu, bao gồm các những khu vực nằm giáp biên giới của chúng tôi, đặc biệt, số lượng căn cứ ngày càng tăng lên. Thậm chí, gần đây, họ còn quyết định triển khai các lực lượng đặc nhiệm tiến sát biên giới nước Nga. Trong khi đó, báo chí thì đưa tin về các cuộc tập trận, điều động máy bay, di chuyển tàu thuyền của quân đội Nga. Đây là sự thật", Guardian dẫn lời Tổng thống Nga.
Trước đó, ông Putin đã cáo buộc giới lãnh đạo phương Tây khởi xướng những căng thẳng như kiểu Chiến tranh Lạnh. Điển hình, trong hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tuần trước, Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng Nga nên dừng việc "tái gây dựng những danh tiếng đã mất dưới thời Liên Xô cũ". Hồi tháng Tám, trong một lần phát biểu trên truyền hình Mỹ, Tổng thống Barack Obama còn tuyên bố người dân Nga thường quay trở lại lối suy nghĩ như thường Chiến tranh Lạnh.
Còn trong bài phát biểu tại Australia hôm 17/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga vẫn nên được duy trì đồng thời cảnh báo về tầm ảnh hưởng của Nga tại Đông Âu đang ngày càng lớn mạnh. Theo bà Merkel, Nga không được phép trở thành trung tâm chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ.
Cũng trong ngày 17/11, tân Đại diện phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Ngoại giao Italy, bà Federica Mogherini đã kêu gọi tăng cường biện pháp ngoại giao bao gồm cả việc thực hiện các chuyến thăm tới Kiev và Moscow để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Nhiều nhà bình luận mang tư tưởng bảo thủ cho rằng chính sách của bà Mogherini là quá mềm mỏng đối với Nga khi bà thuyết phục các bộ trưởng châu Âu cân nhắc áp đặt thêm lệnh trừng phạt chống lại giới lãnh đạo ly khai thay vì với các quan chức Nga.
Trong khi đó, vào hôm 18/11, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond sẽ ra tuyên bố về việc Anh tặng các trang thiết bị liên lạc và 10 xe bọc thép trị giá 1,2 triệu bảng cho phái đoàn làm nhiệm vụ giám sát đặc biệt tại Ukraine thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Hiện nay, nhóm công tác OSCE đang phải đối mặt với những bất ổn liên miên tại khu vực miền đông Ukraine bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đang được thi hành.
Nga bị nghi ngờ cung cấp vũ khí cho quân ly khai tại miền đông Ukraine. |
Trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình ARD, ông Putin đã tránh trả lời trực tiếp câu hỏi liệu có phải Moscow đã cung cấp vũ khí và điều động binh sĩ tới hỗ trợ cho phe nổi dậy tại miền đông Ukraine như lời cáo buộc của NATO và Kiev.
"Ngày nay, những người đang phát động chiến tranh và coi hành động của mình là chính đáng mới là những người nhận được vũ khí hỗ trợ", ông Putin nói ám chỉ tới việc phương Tây cung cấp các tên lửa đạn đạo cho quân chính phủ Kiev.
"Các người muốn chính quyền trung ương Ukraine tiêu diệt người dân sinh sống tại miền đông Urkaine. Đó là điều các người muốn ư? Chúng tôi chắc chắn không để điều đó xảy ra và sẽ không để nó xảy ra", Guardian dẫn lời Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, bản báo cáo về các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine do nhóm cố vấn ARES công bố hôm 17/11 cho thấy quân nổi dậy miền đông Ukraine "dường như" đã nhận được vũ khí từ Nga song "mức độ nghiêm trọng của hành động này hiện vẫn chưa được làm rõ".
"Khả năng các nhóm ly khai thân Nga đã nhận được nguồn hỗ trợ như các loại vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng và xe bọc thép từ một hoặc nhiều nước", ARES cũng thừa nhận rằng "phần lớn nguồn vũ khí và xe bọc thép" được phe nổi dậy sử dụng đều là hàng sản xuất trong nước.
Tổng thống Putin nhận định "tình bạn" giữa Nga và Đức hiện đang gắn kết hơn bao giờ hết. Khi mà các nhóm doanh nghiệp Đức đang trở thành lực lượng chính phản đối lệnh trừng phạt áp đặt với Nga.
Tuy nhiên, xét về mối quan hệ ngoại giao, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận với hãng tin RIA Novosti hôm 17/11, họ đã trục xuất một nhân viên của đại sứ quán Đức tại Moscow để đáp trả trước việc Berlin có "những hành động không thiện chí đối với một nhân viên của đại sứ quán Nga tại Đức". Trước đó, tờ Der Spiegel đưa tin, một nhân viên ngoại giao Nga tại Bonn đã bị trục xuất về nước trước nghi án làm tình báo.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét