Sự chậm chạp của một số tỉnh, thành Trung Quốc trong việc đưa ra tuyên bố ủng hộ điều tra ông Chu Vĩnh Khang ít nhiều cho thấy chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp thách thức.
Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) từng được xem là một nhân vật quyền lực ở Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Ngày 19.8, tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin giới lãnh đạo đảng của 31 tỉnh, thành, khu tự trị ở Trung Quốc đã lần lượt công khai ủng hộ quyết định của trung ương điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ ám chỉ tham nhũng. Tuy nhiên, SCMP dẫn lời giới phân tích cho rằng sự chậm trễ trong việc nhất trí ủng hộ điều tra Chu cho thấy dấu hiệu chần chừ trong đảng ủy một số tỉnh, thành về vấn đề này. Điều đó cũng cho thấy không phải lãnh đạo đảng của tất cả chính quyền địa phương đều sẵn sàng ủng hộ quyết định điều tra ông Chu, một phần chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Vẫn còn tranh cãi
Quyết định điều tra ông Chu được công bố từ ngày 29.7, nhưng đến ngày 2.8, đảng ủy tỉnh Thanh Hải mới tiến hành họp bàn về quyết định đó và mãi đến ngày 17.8, cổng thông tin điện tử qhnews.com của tỉnh mới đăng thông báo ủng hộ điều tra ông Chu, theo SCMP. Nhà bình luận Hồ Tinh Đẩu tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định việc chính quyền địa phương mất nhiều ngày mới đưa ra phản ứng về quyết định của trung ương là “không bình thường” và “điều đó cho thấy vẫn còn sự tranh cãi trong giới quan chức và không phải ai cũng ủng hộ ông Tập mà không lưỡng lự”.
Bốn tỉnh, thành Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam và Bắc Kinh đều thống nhất ủng hộ cuộc điều tra ông Chu ngay đêm 29.7, nhưng không có tờ báo đảng nào của 4 địa phương này công bố quyết định ủng hộ của giới lãnh đạo ngay lập tức, theo SCMP. Cụ thể, đến ngày 2.8, các tờ báo đảng của Hồ Nam và Hồ Bắc mới đăng quyết định ủng hộ điều tra ông Chu, và đến ngày 4 và 7.8, hai tờ báo đảng của Vân Nam và Bắc Kinh mới lần lượt đưa ra động thái tương tự. “Họ có thể nhóm họp sớm, nhưng điều đó không có nghĩa họ đạt được sự đồng thuận. Họ chỉ có thể công bố quyết định sau khi mọi người đều nhất trí”, chuyên gia Hồ nhận định. Còn cựu tổng biên tập tờ Phương Nam đô thị báo Trình Ích Trung đánh giá: “Việc các chính quyền địa phương phản ứng về những vấn đề lớn liên quan đến các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là bình thường. Điều đó cũng cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực đang căng thẳng. Thế lực ngầm của ông Chu vẫn chưa suy yếu, vì thế ông Tập cần có sự ủng hộ của các lãnh đạo địa phương”.
Đợt phản công tiềm tàng
Tính đến nay đã có 36 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên bị hạ bệ trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang. Trong đó, ông Chu được xem là “con hổ” lớn nhất, vì Trung Quốc lâu nay có luật bất thành văn là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị dù về hưu hay đương nhiệm sẽ không bị điều tra. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Chang trích lại một số ý kiến cho rằng trong vòng 5 năm tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không “bắt” thêm “con hổ” nào lớn như ông Chu vì ông Tập được cho là đã có thỏa thuận với những lãnh đạo lão thành rằng ông có thể làm bất cứ điều gì với ông Chu miễn không đụng chạm tới họ hoặc con cháu của họ. Tuy nhiên, chuyên gia Chang không tán thành suy đoán trên, lập luận rằng nếu mục tiêu chống tham nhũng thực sự là đẩy mạnh cải cách, ông Tập chắc chắn sẽ tiếp tục loại bỏ những quan tham có đầu óc bảo thủ. Tuy nhiên, nhà phân tích Chang cho rằng những “con hổ” sẽ không dễ dàng khuất phục mà ngược lại sẽ chống trả quyết liệt. Tương tự, chuyên gia chống tham nhũng Quách Văn Lượng (Đại học Trung Sơn, Trung Quốc) cũng từng nhận định với tờ Thanh Niên Bắc Kinh rằng nhiều “hổ” và “ruồi” không thể ngồi yên và chờ bị “sờ gáy” từng người một. Do đó, ông Quách cảnh báo rằng nguy cơ các “con hổ” hợp sức nổi dậy phản công là “rất lớn”.
Quan chức đổ xô bán tháo nhà
Dù bị cho là đang gặp thách thức, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn khiến giới quan chức có nhiều tài sản “đứng ngồi không yên”. Theo tờ The Wall Street Journal, nhiều quan chức Trung Quốc giờ đây đang đổ xô bán tháo nhà cửa với giá thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10% để tránh bị giới điều tra chú ý, sau khi có nhiều quan chức sở hữu trên 20 ngôi nhà bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ... Các nhà môi giới bất động sản và chuyên gia cho hay thị trường bất động sản cao cấp ở Trung Quốc đang sụt giảm do một bộ phận quan chức không mua thêm nhà và không dám nhận “nhà tặng”. Trong khi đó, Reuters ngày 19.8 dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo nạn tham nhũng trong quân đội ở “mức nguy hiểm chưa từng thấy” và đang làm xói mòn khả năng tác chiếncủa lực lượng này.
|
Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét