Với cáo buộc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp đặt lệnh trừng kinh tế, nhắm vào các ngành nông nghiệp, năng lượng, vũ khí, tài chính của Nga. Để đối phó lại, Nga đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Mở rộng buôn bán nông sản, ký thỏa thuận khí đốt lịch sử 400 tỷ USD và thực hiện hợp đồng mua sắm quân sự lớn nhất trong 10 năm qua..., tình thân giữa Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt.
Trong diễn biến mới nhất, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Nga trong việc mở rộng thương mại hai chiều về nông sản.
Trong năm 2013, các công ty Trung Quốc đã xuất sang thị trường Nga các mặt hàng nông sản trị giá hơn 2 tỷ USD.
Tình thân mến thân giữa Nga và Trung Quốc ngày càng trở nên gắn bó |
Theo đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, dựa trên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung, Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy các quan hệ kinh tế và thương mại với Nga, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.
Ông này cũng cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Trung Quốc lựa chọn thị trường xuất khẩu dựa trên thông tin thị trường, do đó việc mở rộng xuất khẩu sang Nga và thỏa thuận tiến hành các hoạt động kinh doanh khác là điều bình thường.
Với thông tin trên, người Nga có thể không phải lo đói nông sản khi đã có sự thay thế nguồn hàng thiếu hụt từ EU vào nước này.
Cũng liên quan đến kinh tế, hồi tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận khí đốt lịch sử trị giá 400 tỷ USD sau 10 năm thương thảo. Theo đó, Nga sẽ cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với nhu cầu để nước này giữ vững sự ổn định trong vòng 30 năm. Ước tính, Trung Quốc sẽ phải trả cho Nga 350 USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt.
Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thông qua đường ống "Sức mạnh Siberia", đi qua Siberia tới vùng đông bắc Trung Quốc.
Trong lĩnh vực quốc phòng, báo mạng Wantchinatimes dẫn nguồn từ cổng tin tức quân sự Sina cho hay, Trung Quốc đã ký 2 hợp đồng khung mua bán quân sự với Nga. Đây có thể là thỏa thuận mua bán vũ khí lớn nhất của hai bên trong 10 năm qua.
Theo nội dung hợp đồng, Mátxcơva sẽ cùng Bắc Kinh đóng 4 tàu ngầm lớp Amur để bán cho Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng, với động thái này, Nga đã giúp Trung Quốc đối phó hiệu quả với những đe dọa từ hạm đội tàu ngầm Ấn Độ cũng như ảnh hưởng của Mỹ.
Rõ ràng, lệnh cấm vận của Mỹ và EU đã đẩy nước Nga xích lại gần Trung Quốc hơn bao giờ hết. Bản thân Tổng thống V. Putin hồi tháng 5/2014 đã khẳng định Nga coi hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương.
Tuy nhiên, dù thị trường này hỗ trợ được Nga rất nhiều để đối phó với những khó khăn do lệnh trừng phạt gây ra nhưng Nga cũng đã phải đánh đổi nhiều. Bằng chứng là trong hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD, Nga đã phải bán cho Trung Quốc giá rẻ hơn so với giá bán cho châu Âu trước đây. Chưa kể Nga phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng đường ống dẫn khí mới nối sang Trung Quốc. Đồng thời, từ hợp đồng này Nga cũng phải tính đến những nguy cơ nảy sinh từ việc phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc, giống như đã phụ thuộc vào thị trường EU trước đó.
Cái thiệt của Nga còn ở chỗ, qua siêu hợp đồng này, Trung Quốc muốn đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại quốc tế. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng dùng nội tệ để chi trả nguyên liệu thô của Nga, hoặc sẽ trừ dần số tiền thanh toán vào hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.
Đối với các hợp đồng quốc phòng ký với Trung Quốc, lợi ích của Nga cũng rất dễ bị tổn thương. Nga phải đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc sao chép các vũ khí hiện đại và bán ra thị trường thế giới với giá rẻ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nga trên thị trường vũ khí thế giới.
Chính vì thế, dù không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đồng thời cũng là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng Nga sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Theo nhận định của một số chuyên gia, dù Mátxcơva hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt do vấn đề Ukraine thì hai nước khó có thể thiết lập một liên minh chính trị do còn nhiều khác biệt về lợi ích.
Trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với công dân Nga cách đây vài tháng, trả lời câu hỏi liệu Nga có liên minh với Trung Quốc hay không, Tổng thống Putin đã trả lời thẳng thắn Mátxcơva “không có ý định hình thành liên minh” với Bắc Kinh.
Tháng 5/2014, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, ông Putin cũng khẳng định lập trường của Nga về việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Putin khẳng định: Cần phải tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Điều này cho thấy lãnh đạo Nga vẫn rất tỉnh táo khi tình thân mến thân giữa hai quốc gia Nga-Trung ngày càng trở nên nồng nàn.
Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét