Mỹ và phương Tây vừa đưa ra gói trừng phạt mới nhất đối với Nga, gồm: cấm vận vũ khí, hạn chế thăm dò năng lượng ngoài khơi và hạn chế giao thương giữa các ngân hàng Nga với thị trường châu Âu.
Có thể nói, nước Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt hà khắc nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Để đối phó với lệnh trừng phạt từ phương Tây, có vẻ Nga đã đưa ra một kế hoạch phát triển quan hệ thương mại và kinh tế nghiên về phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc, kể từ năm 2009 đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Tháng 5/2014, đứng trước việc các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt rút vốn trong khi thị trường xuất khẩu năng lượng chính là EU đang bị co hẹp, Nga đã ký với Trung Quốc thỏa thuận khí đốt lịch sử. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí đốt mỗi năm và kéo dài trong 30 năm để đổi lấy số tiền 400 tỉ USD.
Nga thiệt đơn thiệt kép khi ký hợp đồng dầu khí với Trung Quốc |
Nhiều người cho rằng đây là cứu cánh của Nga, tuy nhiên rõ ràng là Nga đã thiệt đơn thiệt kép khi phải tìm kiếm thị trường năng lượng khác ngoài châu Âu.
Cần nhớ mãi sau 10 năm đàm phán Trung Quốc mới có được cái gật đầu của Nga nhân lúc Nga lâm vào tình trạng khó khăn.
Giá bán khí đốt của Nga cho Trung Quốc rẻ hơn so với cái giá bán cho châu Âu trong khi Nga lại phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư xây dựng đường ống mới của Nga được ước tính khoảng 55 tỷ USD, trong khi đường ống dẫn khí sang châu Âu phải bỏ không.
"Chỉ riêng chi phí xây đường ống cũng đã đủ tốn kém rồi. Việc này sẽ khiến dòng tiền tự do của Gazprom xuống âm trong trung hạn, ảnh hưởng đến khả năng tăng cổ tức của hãng", Ildar Davletshin - nhà phân tích tại Renaissance Capital cho biết.
Đặc biệt, mới đây nhất, các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đã nhất trí giao dịch bằng đồng nội tệ. Theo tờ Rossiyskaya Gazeta ngày 9/8, thỏa thuận này cho phép các doanh nghiệp Nga khi giao dịch với đối tác Trung Quốc có thể tiếp cận hầu như không hạn chế đồng nhân dân tệ (NDT).
Trước đó, trong cơ cấu giao dịch giữa Nga và Trung Quốc, đồng USD chiếm gần 75% và từ năm 2013, đồng NDT đã vượt đồng euro về khối lượng "tiền tệ được trao đổi nhiều nhất trên thế giới".
Rõ ràng, Trung Quốc đã thành công trong việc đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại quốc tế. Theo số liệu thống kê, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt 90 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Trung Quốc xuất sang Nga gần 50 tỷ và nhập về chừng 40 tỷ. Hai bên đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên 100 tỷ vào năm 2015 và 200 tỷ vào năm 2020.
Với xu hướng xuất siêu của Trung Quốc, số tiền thanh toán khí đốt mua của Nga thừa sức chuyển hóa thành một phần hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.
Vậy là, dù Nga là quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới mới là nước "cầm đằng chuôi" khi Nga "chủ động" chịu bị ép giá và đồng ý cho Trung Quốc dùng nội tệ để thanh toán thương mại.
Không dừng ở đó, Bộ Quốc phòng Nga còn có kế hoạch mua một số linh kiện quân sự trị giá vài tỷ USD do Trung Quốc sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp quân sự và không gian của Nga không sử dụng các linh kiện do Trung Quốc sản xuất.
Mua linh kiện Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Nga phải chấp nhận mua rủi ro về mình khi Trung Quốc "khét tiếng" với những linh kiện quân sự giả mà Mỹ là quốc gia tiêu biểu từng ăn phải "quả đắng".
Trong khi Mỹ và EU hừng hực khí thế tiến hành chiến dịch trừng phạt Nga thì rất nhiều quốc gia châu Á lại tỏ ra không mấy hào hứng.
Mối quan hệ khăng khít giữa Nga và châu Á đang ngày càng thể hiện rõ khi nhiều công ty lớn của Nga đang dần chuyển tiền mặt sang các ngân hàng khu vực này, do lo ngại về sau khó tiếp cận thị trường vốn bằng USD.
Với Nga, châu Á thực sự có thể trở thành một lựa chọn thích hợp để thay thế cho thị trường châu Âu. Hiện các nước Đông Á và Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh nhất cho các loại hàng xuất khẩu chính của Nga như dầu khí , kim loại, sản phẩm hóa chất, thực phẩm.
Vào thời điểm hiện tại, phương Đông chính là "cứu tinh" của Nga. Tuy nhiên, làm thế nào để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc hẳn đang là vấn đề khiến chính quyền của Tổng thống Putin đau đầu.
An Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét