CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Cuộc đấu trên đường phố Hồng Kông

Hồng Kông tiếp tục chứng kiến những ngày náo động do cuộc giằng co giữa phe ủng hộ trung ương và phe kêu gọi cải cách dân chủ.


Đoàn tuần hành ủng hộ APD và một nhóm “phản công” của OC - Ảnh: AFP/Reuters 
Ngày 17.8, nhiều người xuống đường ở Hồng Kông để phản đối kế hoạch phong tỏa trung tâm hành chính Trung Hoàn của Tổ chức Occupy Central (OC), theo Reuters. Sự kiện này nhằm đánh dấu kết thúc chiến dịch chống OC do Tổ chức Liên minh vì hòa bình và dân chủ (APD) phát động trong 1 tháng qua. APD tuyên bố đã thu thập được hơn 1,4 triệu chữ ký phản đối phong trào đòi cải cách dân chủ của OC. Trong số này có cả chữ ký của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh và cựu Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa. Ông Đổng hiện nay là Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc (tương tự Mặt trận Tổ quốc - NV).
Chiến dịch của APD được tiến hành không lâu sau khi OC cùng ĐH Hồng Kông và ĐH Bách khoa Hồng Kông phát động trưng cầu dân ý không chính thức về cách thức bầu chọn trực tiếp lãnh đạo đặc khu và cải cách dân chủ, thu hút 800.000 người ủng hộ. Chính quyền trung ương cam kết người Hồng Kông sẽ được tự bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017 nhưng các ứng viên tranh cử phải được một ủy ban thông qua, điều mà nhiều thành phần ở Hồng Kông quyết liệt phản đối. Hồi đầu tháng 7, OC tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông kể từ năm 1997 và tuyên bố sẽ tiếp tục huy động người phong tỏa Trung Hoàn nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Tuy nhiên, phong trào của OC bị giới chức Bắc Kinh và Hồng Kông chỉ trích là phi pháp và có nguy cơ dẫn đến bạo lực, theo AFP. 
Xỉa xói và ném trứng
Từ đầu giờ chiều qua, đoàn người của APD bắt đầu tuần hành từ công viên Victoria. Một người biểu tình nói với Reuters: “Chúng tôi không ủng hộ OC vì họ sẽ mang đến rắc rối và bất ổn cho thành phố”. Theo quan sát của phóng viên tờ The South China Morning Post, một phần lớn trong đoàn tuần hành có vẻ là người từ đại lục và nhiều người từ chối trả lời phỏng vấn. Phe OC cũng không ngồi yên, họ tập trung tại một số địa điểm chờ đoàn đối thủ đi qua và hai bên xỉa xói, sỉ vả nhau ầm ĩ. Nhóm OC bắc loa cáo buộc đoàn người “đã bị tẩy não” đồng thời bác bỏ những chỉ trích nói hoạt động của OC sẽ dẫn đến bạo lực và bất ổn. Đáp lại, một người trong đoàn APD ném trứng về phía đối thủ và không khí trở nên rất căng thẳng. Cảnh sát đã dựng nhiều lớp rào chắn để ngăn cách 2 phe nhưng không bắt người ném trứng do “không có ai bị thương”.
Đến tối qua, AFP dẫn lời cảnh sát Hồng Kông cho biết đã có 111.800 người ủng hộ APD rời điểm xuất phát ở công viên Victoria trong khi ĐH Hồng Kông ước tính chỉ có 57.000 người tham gia. Giới quan sát chỉ ra rằng điều này trái với “truyền thống” là con số do chính quyền đưa ra luôn thấp hơn ước tính của các tổ chức phát động biểu tình. 
Được “thiên vị”
The South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận định chiến dịch chống OC diễn ra thuận lợi là do có sự hậu thuẫn lớn. Theo chuyên gia Albert Cheng, nhờ sự tuyên truyền của truyền thông nhà nước và ủng hộ của giới chức mà APD có thể thu thập số lượng lớn chữ ký tại hơn 600 điểm thăm dò. Hiệp hội Thanh tra cảnh sát Hồng Kông thừa nhận nhiều cảnh sát cũng đã ký tên dù luật quy định cảnh sát không được tham gia các hoạt động chính trị. Chưa hết, cảnh sát còn bị cáo buộc là đưa nhân viên đến bảo vệ các điểm lấy chữ ký của APD.
Ngoài ra, tuy không cáo buộc thẳng thừng nhưng các nhóm đòi cải cách ở Hồng Kông tuyên bố đoàn tuần hành của APD di chuyển rất thông suốt trong khi OC thường bị “quấy nhiễu”. Trong cuộc biểu tình hồi tháng 7, đã có hơn 110 người của nhóm này bị bắt. Tuy nhiên, đại diện OC cùng các chính khách, cựu quan chức và học giả ủng hộ họ tuyên bố vẫn sẽ tiến hành kế hoạch phong tỏa Trung Hoàn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hội Luật sư Hồng Kông vừa thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chủ tịch hội Ambrose Lam sau khi ông phát biểu ủng hộ Sách trắng về Hồng Kông của chính quyền Bắc Kinh, theo The South China Morning Post. Văn bản trên được đưa ra hồi tháng 6 viết: “Mức độ tự trị của Hồng Kông không phải là quyền cố hữu, mà quyền đó chỉ đến từ sự cho phép của ban lãnh đạo trung ương”. Những diễn biến trên cho thấy tình hình sắp tới ở Hồng Kông có thể sẽ khó mà lắng dịu.
Rộ tin cựu Phó chủ tịch Trung Quốc bị quản thúc
Ngày 17.8, tờ South China Morning Post nhận định việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự một sự kiện thể thao thanh niên ở Nam Kinh ngày 16.8 là dấu hiệu cho thấy hội nghị cấp cao không chính thức Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc đã kết thúc. Với sự có mặt của ban lãnh đạo cao nhất cùng nhiều cựu lãnh đạo giàu sức ảnh hưởng, hội nghị năm nay được cho là xoay quanh các chủ đề bất ổn xã hội, đảm bảo phát triển bền vững, quản lý đất nước theo luật và đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng “bắt hổ diệt ruồi” quy mô lớn của ông Tập. Đáng lưu ý là truyền thông trong lẫn ngoài Trung Quốc không đề cập việc cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân có đến Bắc Đới Hà hay không. Vừa qua, nhiều “hổ lớn” được cho là thân cận với ông Giang như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu đều bị bắt. Tờ Minh Báo ở Hồng Kông còn loan tin cựu Phó chủ tịch nước thời ông Giang là Tăng Khánh Hồng đang bị quản thúc ở Thiên Tân. Theo tờ Apple Daily, cháu gái ông Tăng là Tăng Bảo Bảo cũng đang bị giới điều tra giám sát do có quan hệ làm ăn mật thiết với Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang. 
Minh Trung
Văn Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét