Theo AFP, ngày 29/7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị Belarus tổ chức các cuộc đàm phán giữa các phái viên của Nga và Ukraine để thảo luận việc tiếp cận địa điểm máy bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine.
Văn phòng Tổng thống Ukraine nêu rõ “ông Petro Poroshenko đã liên lạc với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để đề xuất việc hợp tác tổ chức một cuộc gặp ở Minsk” vào ngày 31/7 giữa cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov và một đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Cuộc đàm phán tại thủ đô Belarus sẽ bàn thảo việc các chuyên gia quốc tế tiếp cận địa điểm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị rơi và vấn đề trả tự do cho tất cả các con tin bị lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine bắt giữ.
Trước đó, phái đoàn Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lưu ý các đối tác về việc chính quyền Kiev vi phạm các yêu cầu của Hội đồng Bảo an, đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự trong khu vực máy bay rơi theo tinh thần của Nghị quyết 2166.
Công tác điều tra vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine đã chính thức bị tạm dừng do giao tranh dữ dội gần hiện trường vụ thảm họa.
"Nhóm chuyên gia Hà Lan và Australia không thể rời Donetsk để tới hiện trường ở miền Đông Ukraine. Hiện đang có giao tranh dữ dội quanh hiện trường máy bay rơi," tuyên bố của Bộ Tư pháp Hà Lan cho hay.
Nga tố phương Tây bao che Ukraine cản trở điều tra vụ MH17
Lực lượng ly khai kiểm tra các xe qua lại tại chốt kiểm soát ở Lisichansk, miền đông Ukraine ngày 28/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố về cuộc điều tra vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, trong đó khẳng định Ukraine đang cản trở cuộc điều tra quốc tế nhờ sự bao che của phương Tây.
Tuyên bố nêu rõ phái đoàn Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lưu ý các đối tác về việc chính quyền Kiev vi phạm các yêu cầu của Hội đồng Bảo an, đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự trong khu vực máy bay rơi theo tinh thần của Nghị quyết 2166.
Tuy nhiên kiến nghị của Nga đã bị đại diện Mỹ, Anh và Litva ngăn chặn, cho thấy Mỹ và đồng minh phương Tây đang cố tình bao che cho chính quyền Kiev trong việc cản trở tiến hành một cuộc điều tra quốc tế thực sự khách quan và độc lập về vụ rơi máy bay.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu Ukraine ngừng cuộc chiến chống lại chính người dân của mình và hối thúc phương Tây kiềm chế chính quyền Kiev.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong những ngày gần đây, tình hình miền Đông Ukraine ngày càng căng thẳng khi chính quyền Kiev mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành phố Donesk và Gorlovka. Cụ thể, cuộc pháo kích vào thành phố Gorlovka làm 17 dân thường thiệt mạng, trong đó có ba trẻ em. Một trường học, bệnh viện và một nhà hộ sinh ở thành phố này cũng đã bị đạn pháo phá hỏng.
Cũng theo tuyên bố trên, Ukraine phải chấm dứt ngay các cuộc pháo kích để đảm bảo an toàn cho các quan sát viên OSCE. Tuyên bố nêu rõ trong cuộc pháo kích ngày 29/7, trạm hải quan Gukovo của Nga đã bị hư hại do trúng đạn từ phía quân đội Ukraine.
Cùng ngày 29/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry về việc yêu cầu Hội đồng Bảo an giám sát chặt chẽ việc thực thi Nghị quyết 2166 nhằm tạo điều kiện cho một cuộc điều tra quốc tế độc lập trong khu vực máy bay rơi.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga kêu gọi Mỹ gây áp lực lên Ukraine để buộc chính quyền Kiev phải chấm dứt bạo lực và đàm phán với khu vực Đông Nam theo hướng thực thi thỏa thuận Geneva ký ngày 17/4. Thỏa thuận này yêu cầu các bên chấm dứt sử dụng vũ lực và thực hiện cải cách hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực.
Ukraine tuyên bố MH17 bị tên lửa bắn hạ
Ukraine công bố thông tin phân tích dữ liệu hộp đen MH17, cho rằng máy bay bị bắn hạ bởi các mảnh đạn từ tên lửa, trong khi Hà Lan nói việc làm này là quá vội vã, còn Nga chỉ trích đây là hành động vi phạm nguyên tắc cơ bản của một cuộc điều tra.
Các nhà điều tra quốc tế "chỉ ra rằng dữ liệu từ hộp đen cho thấy nguyên nhân phá hủy và gây ra tai nạn của chuyển bay MH17 là một vụ giảm áp đột ngột cực lớn do phi cơ trúng nhiều mảnh đạn từ một vụ nổ tên lửa", AFP dẫn lời Andriy Lysenko, người phát ngôn Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine.
Hiện dữ liệu từ các hộp đen của phi cơ gặp nạn đang được giải mã ở Anh, sau khi phiến quân miền đông Ukraine bàn giao chúng cho quan chức Malaysia.
Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB), tham gia điều tra thảm họa MH17, cảm thấy khó xử vì thông báo từ Kiev. Bà Sara Vernooij, phát ngôn viên DSB, cho biết việc công bố "vội vàng" các chi tiết về hộp đen MH17 là "không có lợi cho cuộc điều tra". Vernooij từ chối xác nhận về những tuyên bố của Kiev cũng như bình luận về bản chất các nguồn tin ông Lysenko sử dụng. Theo bà, DSB sẽ không công bố bất cứ điều gì cho đến khi quá trình phân tích hộp đen hoàn thành một cách đầy đủ.
"Chúng tôi muốn phân tích (và) kết hợp thông tin từ một số nguồn trước khi công bố, từ đó có cái nhìn thống nhất về toàn bộ quá trình điều tra. Đưa ra những thông tin riêng lẻ như vậy không phải là đại diện cuộc điều tra", tờ Independent dẫn lời bà Vernooij nói. DSB dự kiến công bố những kết quả đầu tiên vào ngày 1/8.
Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsiya) chỉ trích rằng thông báo của Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine về những dữ liệu thu được từ hộp đen chuyến bay MH17 là "không thể chấp nhận được" bởi nó vi phạm các quy định của Hiệp hội Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Trong khi đó, nhóm quan sát viên quốc tế hôm qua vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường MH17 do các cuộc giao tranh xảy ra ở khu vực lân cận, Reuters dẫn lời Vladimir Antyufeyev, một thủ lĩnh phe ly khai, cho hay. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đăng tải trên Twitter rằng nhóm chuyên gia từ OSCE, Hà Lan và Australia buộc phải quay về thành phố Donetsk vì "lý do an ninh". Các nhà điều tra Hà Lan cho biết những phần thi thể còn lại của nạn nhân MH17 ở miền đông Ukraine có thể không bao giờ được thu hồi.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Navi Pillay lên án hành động "bắn hạ khủng khiếp" phi cơ chở khách của Malaysia hôm 17/7 tại khu vực phe ly khai Ukraine kiểm soát, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra "triệt để, độc lập, hiệu quả và khách quan". "Hành động vi phạm luật pháp quốc tế trong thời điểm hiện tại có thể xem như một tội ác chiến tranh", bà Pillay nói.
Theo Liên Hợp Quốc, cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine trong vòng ba tháng qua đã làm hơn 1.100 người thiệt mạng, chưa kể nạn nhân trong thảm kịch MH17. Tổ chức Chữ thập Đỏ cho biết Ukraine đang ở trong một cuộc nội chiến, các bên liên quan trong xung đột sẽ bị truy tố và phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines gặp nạn hôm 17/7 tại miền đông Ukraine. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Mỹ cho rằng máy bay bị bắn hạ từ khu vực do phe ly khai thân Nga chiếm đóng. Trong khi đó, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai vẫn tố nhau là thủ phạm.
PV tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét