Chiến sự cản trở nhóm cảnh sát quốc tế tới hiện trường vụ MH17
Người phát ngôn cơ quan an ninh quốc gia Ukraina Andrey Lysenko nói rằng, một khi chiếm được Horlivka, con đường trực tiếp tới Donetsk sẽ để ngỏ cho lực lượng Ukraina. Ngoài ra, các ngả tiếp cận Donetsk đã bị chặn để quân ly khai không thể nhận được viện trợ vũ khí, quân lương. Song theo AP, con đường cao tốc phía bắc Donetsk đang bị chặn bởi quân ly khai. Giao tranh dữ dội tại Donetsk suốt đêm. Một máy bay không người lái của quân đội Ukraina bị bắn rơi ở Donetsk.
Guardian cho biết, các cuộc đàm phán suốt đêm 26.7 ở Donetsk, do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu dẫn đầu, đã đi tới thỏa thuận với quân ly khai về việc đưa cảnh sát quốc tế tiếp cận khu vực rộng hơn xung quanh nơi máy bay rơi. Phái đoàn đầu tiên gồm 49 sĩ quan cảnh sát Australia và Hà Lan, không được phép mang vũ khí. 
Trước đó, đề xuất của Australia về việc để cảnh sát vũ trang hộ tống phái đoàn điều tra này đã khiến việc cử phái đoàn bị chậm trễ, vì còn cần được Quốc hội Ukraina phê duyệt. Việc cử nhân viên không vũ khí sẽ không cần đến sự phê duyệt đó. Nhóm điều tra sẽ được đến khu vực này ban ngày nhưng không được ở lại ban đêm, với mục tiêu là tìm kiếm các nạn nhân còn lại, khám nghiệm pháp y và điều tra hiện tường. Quân ly khai sẽ đảm bảo an ninh để phái đoàn làm việc. Tuy nhiên, chuyến đi tới hiện trường dự kiến ngày 27.7 đã không được thực hiện, vì chiến sự dữ dội đang diễn ra.
Chính phủ Hà Lan cho biết, đã nhận dạng được nạn nhân đầu tiên - một người Hà Lan - song không tiết lộ tên và giới tính của người này.
Nghị sĩ Nga: Mỹ đang thổi bùng cuộc chiến tranh lạnh mới
Báo chí Nga dẫn lời đại diện của nước cộng hòa tự xưng Donetsk cho biết, quân đội Ukraina đã sử dụng bom phospho trong cuộc tấn công vào Donetsk và Mandrykino hôm 26.7. Đại diện Bộ Tổng Tham mưu Nga cũng tuyên bố, có bằng chứng Ukraina đã sử dụng loại vũ khí hóa học bị quốc tế cấm này ở các khu vực đông dân cư miền đông Ukraina, và ít nhất đã sử dụng 6 lần. Bom phospho có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với dân thường, thậm chí chết chóc và tàn phá môi trường.
Kênh “Nước Nga ngày nay” cho biết, hôm 26.7, ít nhất 41 lính Ukraina đã đào ngũ và đề nghị quân ly khai giúp đỡ rồi chạy sang lãnh thổ Nga. Những người này tuyên bố không muốn bắn giết chính các đồng bào của mình - theo tin của ITAR-TASS. Một bệnh viện của Nga ở gần biên giới Ukraina cũng đã điều trị cho những người lính Ukraina bị thương. Những người này nói rằng, luật tổng động viên của Ukraina buộc họ phải cầm súng.
Chính phủ Mỹ hôm 25.7 cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nga có thể “có tội” trong vụ MH17. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã đưa ra những bình luận nặng nề nhất từ khi xảy ra vụ việc, cho rằng ông Putin và người Nga “có tội trong thảm kịch này” vì đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân ly khai sử dụng tên lửa bắn rơi MH17. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko rằng, Mỹ đang làm việc với EU và G7 về việc tiếp tục trừng phạt Nga.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố ngày 26.7 nói rằng, chính quyền Mỹ đang thực thi một chính sách đối ngoại dựa trên những lời nói dối trắng trợn, thực hiện chiến dịch bôi đen không mệt mỏi chống lại Nga. Bộ Ngoại giao Nga nói Mỹ luôn dùng cách này khi không đưa ra được bằng chứng cho những gì họ nói, tất cả chỉ thông tin chung chung rằng “dữ liệu tình báo cho biết”, mà thực ra là dựa trên những thông tin từ mạng xã hội.
Nga cũng chỉ trích những biện pháp cấm vận mới của EU nhằm vào Nga và cho rằng, các biện pháp này sẽ làm tổn hại đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nặng lời hơn, ông Valery Shnyakin - thành viên của Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện Nga - cho rằng, những cáo buộc của Mỹ về vai trò của Nga sẽ là bước đầu làm bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây. Ông nói, Nga không nên để yên trước những cáo buộc đó và cần có biện pháp trả đũa, có thể là áp đặt cấm vận với Mỹ và EU.