Tình trạng căng thẳng tại Tân Cương, Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lại có đụng độ giữa những người địa phương Duy Ngô Nhĩ và cảnh sát. Con số thương vong được một tổ chức người Duy Ngô Nhĩ thông báo lên đến cả trăm người.
Vụ đụng độ cũng được phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cuối ngày hôm qua (29.7). Nhưng truyền thông Trung Quốc cho rằng chỉ có hàng chục dân thường và những kẻ khủng bố đã bị thương vong trong một "cuộc tấn công khủng bố". Truyền thông Trung Quốc nói rằng một đám người được trang bị dao và rìu đã tấn công một đồn cảnh sát và trụ sở chính quyền, trước khi chuyển đến tấn công một thị trấn.
"Cảnh sát tại hiện trường đã bắn chết hàng chục tên khủng bố", Tân Hoa Xã nói về vụ bạo lực và cho biết vụ việc đã xảy ra lúc sáng sớm thứ Hai. Nhưng Tân Hoa Xã đã không đưa ra con số chính xác các thương vong và không nói gì đến thiệt hại của chính quyền. Các thông tin ở Tân Cương thường rất khó để xác minh một cách độc lập.
Nhưng Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Đại hội Thế giới Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức lưu vong, cho biết rằng con số thương vong hai bên khá cao. Trích dẫn nguồn tin từ người Duy Ngô Nhĩ địa phương, ông cho biết qua e-mail: "Gần 100 người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc đụng độ".
Ông nói thêm bạo lực xảy ra khi "người Duy Ngô Nhĩ đã đứng lên để chống lại chính sách cai trị khắc nghiệt của Trung Quốc và đã bị đàn áp vũ trang dẫn đến thương vong ở cả hai bên". Trước đó, Raxit cho biết hơn 20 người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng và 10 người bị thương, trong khi con số thương vong của lực vũ trang Trung Quốc là 13 và khoảng 67 người đã bị bắt giữ. Nhưng sau đó, ông cập nhập nguồn tin và xác nhận thương vòng 2 bên lên đến hàng trăm người.
Bạo lực diễn ra ở quận Shache hay gọi là Yarkant theo tiếng Duy Ngô Nhĩ, gần sa mạc Taklamakan ở phía tây Tân Cương. Các nhân viên khách sạn trong khu vực Shache từ chối cung cấp thông tin cho báo giới nước ngoài muốn tìm hiểu thông tin. Theo Tân Hoa Xã, đây là vụ việc "có tổ chức và tính toán trước". Trong thời gian qua, các vụ bạo lực liên quan đến Tân Cương khiến Bắc Kinh rất đau đầu.
Trong số các sự cố, gây sốc nhất là vụ tấn công tại một khu chợ ở thủ phủ Tân Cương Urumqi hồi tháng 5 khiến 39 người thiệt mạng. Ngoài ra, lực lượng khủng bố Tân Cương cũng thực hiện việc tấn công con dao ở một nhà ga tại Côn Minh ở phía tây nam Trung Quốc hồi tháng 3, khiến 29 người chết. Hồi tháng 10 năm ngoái, họ cũng dùng xe đốt cháy tấn công quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Các tổ chức nhân quyền và các nhà phân tích cáo buộc chính phủ Trung Quốc đàn áp văn hóa và tôn giáo nên thổi bùng tình trạng bất ổn ở Tân Cương, giáp biên giới Trung Á. Chính phủ Trung Quốc lại lập luận rằng họ đã đẩy mạnh phát triển kinh tế trong khu vực và rằng họ luôn đề cao quyền của các dân tộc thiểu số trong một đất nước có 56 dân tộc được công nhận.
Bắc Kinh luôn cho rằng những kẻ cực đoan ở Tân Cương bị ảnh hưởng bởi các nhóm khủng bố bên ngoài Trung Quốc, mặc dù nhiều nhà phân tích nước ngoài hoài nghi rằng nguyên nhân chính là sự bất mãn của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ trong lòng Trung Quốc.
Anh Tú (theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét