Tin Nóng) Để đối phó với hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng, Hải quân Mỹ đã điều động 6 máy bay tuần biển và săn ngầm hiện đại nhất P-8A Poseidon đến căn cứ Kadena (Nhật Bản), theo dõi nhất cử nhất động của tàu ngầm Trung Quốc.
Việc bố trí 6 chiếc P-8 tại Kadena, Okinawa cũng nằm trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ, chủ yếu để đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên và ngày càng hung hăng. Okinawa cũng toạ lạc tại khu vực biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và cũng gần Biển Đông nơi Trung Quốc đang muốn chiếm trọn chủ quyền, theo Wall Street Journal ngày 24.10.
Các máy bay P-3 Orion hoạt động từ những năm 1960 nhằm theo dõi tàu ngầm Liên Xô. Nay P-3 Orion được thay thế bằng P-8 Poseidon hiện đại hơn. Một chiếc P-8 có thể mang đến 64 phao chìm gắn thiết bị dò tìm sonar dưới lòng biển, gấp đôi P-3. Máy bay P-8 có tầm hoạt động đến 1.200 hải lý (2.200 km), nhiều hơn P-3 Orion đến 300 hải lý (550 km), và có thể bay quần thảo trên khu vực mục tiêu đến 4 giờ mới quay về căn cứ.
“Điều này cho phép chúng tôi bay đến những khu vực phía nam của Biển Đông, và chúng tôi làm điều đó khá thường xuyên”, đại uý Mike Parker, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 72 của Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm trinh sát biển ở châu Á, cho WSJ biết.
Ông còn tự hào nói rằng “Chúng tôi có thể xác định vị trí các tàu ngầm, và nếu cần thiết sẽ cho họ biết rằng chúng ta biết họ đang ở đâu”.
Dĩ nhiên là Trung Quốc không hài lòng với các máy bay P-8 nên tháng 8 vừa qua đã xảy ra vụ tiêm kích J-11 của Trung Quốc bay cản đầu một chiếc P-8 của Hải quân Mỹ ở bắc Biển Đông. Phía Mỹ nói rằng máy bay P-8 lúc đó đang hoạt động trong không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam hơn 200 km.
Dù Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt theo dõi gần vùng biển nước này, Mỹ lại đang xúc tiến các bước để cho phép máy bay P-8 thậm chí hoạt động nhiều thời gian hơn trên Biển Đông. Đó là việc đàm phán thỏa thuận với các nước trong khu vực Biển Đông để cho máy bay P-8 sử dụng sân bay của các nước này trong các phi vụ dò tìm tàu ngầm, theo các nguồn tin thân cận của WSJ.
Các nước trong khu vực Biển Đông cũng đang nỗ lực nâng cấp các phi đội máy bay chống ngầm.
Tuy P-8 hiện đại, bay nhanh và bay xa, nhưng công nghệ dò tìm tàu ngầm vẫn lệ thuộc vào công nghệ thời… chiến tranh lạnh. Vệ tinh và radar không thể phát hiện các vật thể dưới nước. Cách hiệu quả nhất để dò tìm một tàu ngầm là sử dụng thiết bị sonar để nghe được tiếng động cơ của tàu ngầm, hoặc bắt tín hiệu âm thanh dội lại (tiếng ping) khi sóng sonar chạm vào thân kim loại của tàu ngầm.
Còn tàu ngầm thì tìm cách lẩn tránh sự dò tìm trên mặt biển bằng việc giữ cho động cơ chạy thật êm, tránh liên lạc với bên ngoài và cố gắng ẩn bên dưới lớp nhiệt độ, là khoảng giữa của lớp nước ấm trên bề mặt và lớp nước lạnh bên dưới đáy biển, để làm lệch tín hiệu sonar dội lại.
Máy bay tuần biển P-8 làm việc với các vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các căn cứ tàu ngầm, và thả các máy nghe dưới lòng biển để nghe tiếng tàu ngầm di chuyển, phối hợp với các tàu mặt nước có thiết bị sonar dò tìm dưới nước.
Một khi xác định được mục tiêu tiềm tàng, chiếc P-8 liền thả các phao chìm mang thiết bị dò tìm sonar, sau đó bay vòng vòng trên khu vực này để nhận tín hiệu từ phao chìm truyền lên.
Những tín hiệu này sẽ hiện lên màn hình trên máy bay và được các chuyên gia như Robert Pillars, người được đào tạo để nhận ra các ký âm của tàu ngầm Trung Quốc. Anh nói rằng nếu có một tàu ngầm và đang ở trong tầm hoạt động của phao chìm, anh sẽ bắt được nó.
Cho đến gần đây, việc dò tìm tàu ngầm của Trung Quốc là tương đối dễ dàng. Phần lớn tàu ngầm Trung Quốc là loại tàu dùng động cơ điện - diesel cũ, khi lặn thì cứ vài giờ phải nổi lên lấy không khí chạy động cơ để sạc pin điện. Các lò phản ứng trên các tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc thậm chí còn ồn ào hơn cả tàu ngầm diesel, theo các sĩ quan hải quân phương Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã có những tiến bộ trong việc sở hữu các tàu ngầm điện - diesel chạy êm, một số sử dụng công nghệ cho phép động cơ hoạt động trong thời gian dài với ôxy lỏng khi lặn mà không cần nổi lên lấy không khí, tức động cơ không phụ thuộc không khí (AIP).
Vào năm 2006, các quan chức Mỹ đã choáng khi một tàu ngầm điện - diesel lớp Tống của Trung Quốc nổi lên trong tầm bắn ngư lôi của tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk mà không bị phát hiện trước.
Sau sự cố Kitty Hawk, Mỹ đã tăng cường các chuyến tuần tra chống tàu ngầm. Nhưng Trung Quốc cũng triển khai số lượng lớn các tàu chiến, máy bay và tên lửa để ngăn cản lực lượng Mỹ giám sát vùng biển gần Trung Quốc.
Năm 2009, năm tàu Trung Quốc bao vây tàu thăm dò biển và chống ngầm USNS Impeccable của Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế gần một căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.
Cuối tháng 11.2013, Trung Quốc đơn phương thành lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và cảnh báo máy bay lạ bay vào mà không khai báo trước.
Nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại Trung Quốc có thể đơn phương lập tiếp ADIZ trên Biển Đông, dù Bắc Kinh đã nói nhiều lần trong những tháng gần đây rằng họ không có kế hoạch như vậy. Mỹ tin rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là biến Biển Đông thành nơi ẩn náu an toàn cho các tàu ngầm của họ, giống như cách Liên Xô thực hiện cho các tàu ngầm của họ hoạt động thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu máy bay và tàu chiến Trung Quốc có thể cản được lực lượng chống tàu ngầm Mỹ không thể thâm nhập các khu vực này, thì tàu ngầm Trung Quốc sẽ tuần tra an toàn ở gần bờ biển của họ và còn có thể tiến vào vùng nước sâu bên ngoài của Thái Bình Dương.
"Đó như là thời Chiến tranh Lạnh, là những gì Liên Xô đã thực hiện”, đại uý Parker nói với WSJ.
Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét