(Quan hệ quốc tế) - Trong Thông điệp LB, ông Putin đã tuyên bố trước toàn thể nhân dân: Bảo vệ chủ quyền phải gắn với bảo vệ người Nga, dù họ ở bất cứ đâu.
Bảo vệ độc lập, chủ quyền không có nghĩa chỉ là bảo vệ lãnh thổ
Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, ông Putin đã thức mấy đêm liền để tự tay soạn thảo “Thông điệp Liên bang” - lời hiệu triệu của ông trước hàng trăm triệu người dân Nga trong giai đoạn đất nước đang khó khăn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và EU sau khi cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine và việc Crimea trở về với Nga.
Trong Thông điệp, ông Putin đã trình bày những nét chính của tình hình Nga-Ukraine và thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào bối cảnh quốc tế, tình hình khu vực và nước Nga, những khó khăn, thách thức cùng những biện pháp đưa nước Nga vượt qua thử thách mang tính “thời đại”.
Mở đầu “Thông điệp Liên bang”, ông Putin khẳng định, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những thế lực phương Tây, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào cấu trúc của Liên bang.
Tổng thống Nga lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính tại Ukraine diễn ra vào tháng 2 vừa qua, lật đổ chính phủ của ông Viktor Yanukovich đưa những thế lực bài Nga lên nắm quyền. Từ đó, tiếng Nga bị loại bỏ, người dân nói tiếng Nga bị bài xích, cô lập và gạt khỏi đời sống chính trị Ukraine.
Trong quan điểm của Tổng thống Nga Putin, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không đơn giản là giữ nhà, giữ đất và nó còn bao gồm vấn đề bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của người dân nói tiếng Nga. Trước đây, ông đã từng cho biết, Nga sẽ bảo vệ người Nga và tiếng Nga ở bất cứ nơi đâu.
Crimea nguyên là một phần máu thịt của nước Nga, được “gán” cho Ukraine sau những quyết định mờ ám và sai lầm của lãnh đạo Liên Xô trước đây. Bán đảo này với Nga giống như Núi Đền - một địa điểm tôn giáo thiêng liêng ở thành phố cổ Jerusalem, nơi được coi là khởi thủy của ba tôn giáo Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa và Đạo Do Thái.
Tổng thống Nga Putin đọc “Thông điệp Liên bang” hôm 4-12
|
Trước đây, Tổng thống Putin đã từng khẳng định: Việc Crimea trở về với nước Nga là đúng đắn và hợp với lòng dân - chỉ cần hợp với lòng dân thì mọi quyết định đều là đúng đắn. Những gì diễn ra hiện nay tại đông nam Ukraine cho thấy hành động lúc đó của Nga là chính xác. Nếu không trở về Nga, hẳn Crimea hiện nay đã loạn lạc và đầu rơi máu chảy.
Ông Putin khẳng định, bản thân ông và nhân dân Nga vẫn coi nhân dân Ukraine là anh em và tôn trọng chủ quyền của đất nước Ukraine. Moscow không chỉ hỗ trợ Kiev giành độc lập trong giai đoạn còn Liên bang Xô Viết mà còn giúp nước này rất nhiều trong giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Và cho đến nay điều này vẫn không thay đổi.
Ông Putin cho rằng, chính ông - với cương vị một Tổng thống đã tôn trọng Ukraine không chỉ trong vấn đề Crimea, mà còn trong cả những vấn đề phức tạp như biên giới lãnh hải ở Biển Azov và eo biển Kerch. Nước Nga đã làm hết sức mình với mong đợi rằng Ukraine vẫn là láng giềng tốt, nhưng thực tế đã chứng minh Kiev đã làm gì đối với nước Nga.
Việc Ukraine gia nhập EU là điều bình thường nhưng có những kẻ đã lật đổ chính quyền bằng bạo lực, xây nhà nước trên đầu mũi súng và âm mưu mang kẻ thù đến bao vây nước Nga. Nga sẽ làm tất cả mọi điều để bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia. Đây là nguyên tắc mà mọi quốc gia phải nhận thức rõ trong quan hệ với Nga.
Moscow cũng đã hy vọng rằng công dân Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine, đặc biệt là ở Crimea và khu vực đông nam nước này có thể sống trong một đất nước văn minh, dân chủ và hữu nghị, nơi có thể bảo vệ các quyền lợi của họ theo chuẩn mực luật pháp quốc tế, để họ được sống, được tôn trọng và phát huy giá trị của các dân tộc trong 1 đất nước Ukraine.
Thế nhưng, tình hình lại không diễn ra như vậy. Hết lần này đến lần khác, chính phủ được “dựng lên bằng đảo chính” ở Kiev đã rắp tâm tước đoạt những di sản lịch sử và thậm chí cả ngôn ngữ của người Nga, đẩy họ đến với sự đồng hóa ép buộc, cướp đoạt cội nguồn dân tộc của họ. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Người dân Crimea mở hội trong ngày trở về nước Nga
|
Khi người Nga và người nói tiếng Nga lên tiếng bảo vệ quyền được sống của mình thì ngay lập tức bị đe dọa đàn áp. Vì vậy, người dân Crimea đã tìm tới Nga để mong được giúp đỡ trong việc bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của mình. Quan trọng hơn là họ không muốn đánh mất đi cội nguồn và lịch sử dân tộc.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Moscow có xem xét phương án sát nhập Crimea vào Nga hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “Nga không xem xét khả năng sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình”. Ông nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ có những công dân đang sống trong vùng lãnh thổ này mới có thể và có quyền xác định tương lai của họ”.
Vì vậy, khi người Crimea hướng về nước Mosocw, Nga không thể để cho những lời kêu gọi này bị phớt lờ, không thể bỏ mặc người dân Crimea trong cơn hoạn nạn. Đối với Nga, bỏ mặc người dân trên bán đảo là sự phản bội. Trước đây, ông Putin cũng đã từng khẳng định, Moscow sẽ làm tất cả để bảo vệ quyền được sống của người Nga ở khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta đúc rút được gì từ quan điểm của Nga?
Tương tự như Crimea, ngày sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych, chính quyền mới được “dựng lên bằng bạo lực, xây trên đầu mũi súng” đã áp đặt chính sách “Ukraine hóa”, lập tức hủy bỏ các văn bản pháp luật về ngôn ngữ địa phương, trong đó có tiếng Nga, được sử dụng rộng rãi ở miền đông Ukraine.
Nếu người tham gia Maidan coi phương Tây là một hình mẫu cho tương lai, thì miền Đông Ukraine coi phương Tây là dạng thể chế chuyên áp đặt mọi thứ vì quyền lợi của mình. Miền Đông Ukraine luôn luôn ủng hộ việc thiết lập liên hệ với Nga, cả về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa và ngôn ngữ.
Khi chiến sự ở đông nam Ukraine bắt đầu nổ ra hồi tháng 5 vừa qua, trước đòi hỏi của Washington là Moscow phải bắt lực lượng ly khai Donbass đầu hàng, ông Putin đã khẳng định, Nga không thể thuyết phục nhân dân đông nam Ukraine hạ vũ khí bởi đang có mối đe dọa trực tiếp nhằm vào mạng sống của họ và sau những gì đã xảy ra, họ sẽ không nghe bất kỳ ai.
Sau Crimea, 2 tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine cũng đứng lên đòi độc lập
|
Khi đó, Nga đã cho rằng người dân ở khu vực đông nam nói riêng và trên toàn Ukraine nói chung “có quyền đứng lên bảo vệ tính mạng và tài sản của họ”, tức là Moscow đã ngầm thừa nhận tính hợp pháp của phong trào đấu tranh đòi Liên bang hóa ở Ukraine và Nga sẽ không dùng uy tín của mình kêu gọi họ hạ vũ khí hoặc ngồi vào bàn đàm phán với Kiev.
Đối với miền Đông, Liên minh Hải quan là một biểu tượng, nhưng đó là biểu tượng của việc họ sẽ đi cùng với nước Nga, chứ không phải sang phương Tây. Người miền Đông sẵn sàng tiếp nhận sự gia nhập của Ukraine vào Liên minh Hải quan như là một bước tiến trên con đường đi tới ổn định và an ninh của mình.
Họ sợ rằng thiết lập quan hệ với phương Tây và ký kết hiệp định với Liên minh châu Âu đồng nghĩa với việc họ sẽ tự đánh mất mình và tiêu diệt cội nguồn văn hóa Nga và văn hóa vùng miền của họ. Trong trường hợp này, Nga được coi là một chỗ dựa, là người bảo vệ, là vị cứu tinh của nhân dân miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã từng tuyên bố, ngày cả trong tình huống “lợi ích của người Nga bị xâm phạm” Nga sẽ đáp trả đích đáng trong mọi trường hợp. Ông nhắc nhở về những bài học trong quá khứ: "Nếu lợi ích hợp pháp của nước Nga và lợi ích của người Nga bị trực tiếp xâm lấn, ví dụ như ở Nam Ossetia, Nga sẽ đáp trả trên cơ sở tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên, ông Putin cũng nhận thức được một vấn đề quan trọng là, tuy có nhiều người nói tiếng Nga nhưng khác với Crimea, người Nga ở đông nam Ukraine không chiếm đa số, bởi vậy, Nga không thể sáp nhập khu vực này vào Liên bang Nga để bảo vệ cho họ mà chỉ giúp đỡ họ tự đòi quyền được sống của mình.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy, trong tư tưởng của ông Putin, chủ quyền và độc lập dân tộc không thể tách rời khỏi việc bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của người Nga dù là ở bất cứ nơi đâu.
Hiểu được điều này chúng ta có thể giải mã được việc tại sao Nga lại sáp nhập Crimea mà không sáp nhập đông nam Ukraine.
Người Tatar ở Crime đã được đối xử bình đẳng
|
Nắm được điều này, chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao Nga có liên quan chặt chẽ đến “Tứ quốc ly khai”, bao gồm Transnistria (thuộc Moldova), Nagorno-Karabakh (thuộc Azerbaijan), Abkhazia và Nam Ossetia (thuộc Gruzia), đồng thời tiên lượng được phần nào diễn biến tình hình tương lai của các quốc gia ly khai này.
Quan điểm độc lập chủ quyền gắn với bảo vệ quyền lợi nhân dân dù họ ở bất cứ đâu của ông Putin còn được thể hiện ở những việc tưởng chừng rất trái ngược và không liên quan gì đến người Nga là vấn đề người Tatar ở Crimea. Điều này thể hiện rõ ngay từ giai đoạn bán đảo này bắt đầu sáp nhập vào Nga.
Tuy họ là một dân tộc thiểu số (chiếm 12% dân số toàn bán đảo) nhưng chính quyền mới ở đây vẫn đối xử rất bình đẳng và giành cho người Tatar những quy chế rất đặc biệt về việc tham gia các cơ cấu lãnh đạo và coi ngôn ngữ Tatar là 1 trong 3 ngôn ngữ chính ở đây (cùng với tiếng Nga và Ukraine).
Trái ngược với thái độ bài Nga kịch liệt của chính quyền mới Kiev, chính việc dung hòa quyền lợi của người Nga và cả người nước ngoài định cư ở đây đã khiến Crimea yên ổn phát triển, trái ngược với những dự đoán của phương Tây là bán đảo này sẽ nhanh chóng hỗn loạn vì sự chống đối của người gốc Ukraine và Tatar.
Chính sách này cũng mang lại lợi ích mà ngay cả Nga cũng không lường trước được. Trong bối cảnh bị Mỹ và EU bao vây cấm vận quyết liệt, Moscow đã được sự ủng hộ tích cực của Ankara (là quốc gia thành viên NATO), 1 phần nguyên nhân trong đó là do việc Nga đã đối xử tốt với người Tatar (gốc Thổ Nhĩ Kỳ) định cư trên bán đảo Crimea.
Ông Putin đã từng mỉa mai phương Tây về cái gọi là “một cuộc xâm lược” Crimea của Nga và giải thích rằng, đó là do “lòng dân mong muốn”, đồng thời thách Mỹ và châu Âu tìm ra được cuộc xâm lược nào không có bom rơi, đạn nổ giống như các sự kiện Mỹ và NATO đã từng làm ở Nam Tư, Irar, Afghanistan, Lybia…
Ông Putin tuyên bố, nếu với một số nước châu Âu chủ quyền và lòng tự hào dân tộc đang là những khái niệm xa xỉ và bị lãng quên, thì đối với Liên bang Nga đó là những điều kiện dứt khoát cần thiết.
Có thể quan điểm về chủ quyền và độc lập dân tộc của Nga có phần cực đoan, nhưng việc gắn nó với lợi ích của nhân dân các dân tộc cũng là một điều đáng để suy ngẫm.
Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét