ANTĐ - Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang để trống, sau khi ông Chuck Hagel từ chức hồi tuần trước sau chưa đầy 2 năm tại vị nhiều khả năng sẽ thuộc về ông Ashton Carter, 60 tuổi cựu Thứ trưởng Quốc phòng.
Có lẽ, Tổng thống Mỹ vài ngày tới sẽ thông báo chọn chuyên gia vật lý lý thuyết Ashton Carter làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trở thành Bộ trưởng Quốc phòng thứ tư của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, ông Carter tham gia vào nhóm nòng cốt của chính quyền Barack Obama và giám sát quân đội hùng mạnh nhất thế giới, nhưng được cho là ít có khả năng tạo ra thay đổi lớn trong chiến lược quân sự của Mỹ.
Theo AP, ông Ashton Carter, tuy có nền tảng học vấn cao và là một trong số những bộ óc thông minh nhất thuộc bộ máy an ninh quốc gia, nhưng vẫn là một người mà danh tiếng còn ít được biết đến bên ngoài Thủ đô Washington D.C. Ông Carter tốt nghiệp khoa vật lý và lịch sử trung cổ tại Đại học Yale, nhận bằng tiến sỹ vật lý lý thuyết tại Đại học Oxford.
Ông từng là giáo sư Đại học Havard và chuyên gia cấp cao tại tổ chức Đối tác Công nghệ Toàn cầu (Global Technology Partners), tư vấn trong lĩnh vực công nghệ cho các công ty đầu tư. Carter cũng là cố vấn phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Goldman Sachs. Trước đó, ông là thành viên cao cấp của Global Technology Partners, một thành viên thuộc tập đoàn Aspen Strategy Group và là thành viên ban cố vấn của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusett, Văn phòng Quốc hội về Thẩm định Công nghệ, và Đại học Rockefeller..
Ashton Carter từng bước giành được những vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ một cách hết sức thầm lặng. Ông đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ chuyên gia quốc phòng, nhà chiến lược tới chuyên gia nguyên tử hay một viện sĩ. Carter chưa bao giờ phục vụ trong quân đội hay quốc hội. Tuy nhiên, ông từng dành nhiều thời gian bên các binh sĩ và xây dựng được mối quan hệ gần gũi với cả một thế hệ các nhà lãnh đạo quân sự khi làm việc tại Lầu Năm Góc. Ông cũng có những hiểu biết sâu rộng về cơ cấu hoạt động bên trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm điều hành quân đội, ông Carter vẫn nhanh chóng leo lên những vị trí quan trọng tại Lầu Năm Góc, nhưng hầu như không được báo chí chú ý. Ông từng là Thứ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2011-2013 và một thời gian làm trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng những năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông cũng phụ trách nhóm công nghệ và mảng mua sắm vũ khí cho Lầu Năm Góc khi quản lý chương trình tái cơ cấu máy bay chiến đấu F-35 quy mô lớn.
Theo báo Washington Post, ông Carter cùng cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng William Perry, trong nhiều năm, đã đấu tranh cho một khái niệm mà họ gọi là phương pháp “bảo vệ phòng ngừa”, sử dụng ngoại giao quốc phòng để xây dựng quan hệ đối tác an ninh trên toàn thế giới, từ đó dùng chúng như một phương tiện nhằm giải quyết sớm các mối hiểm họa tiềm tàng đối với quốc gia.
Còn tờ New York Times cho biết không chỉ nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ ông Carter làm bộ trưởng quốc phòng mà ông còn sẽ nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng trong Quốc hội. Carter có lẽ sẽ nhận được sự đón tiếp nồng hậu trong phiên điều trần của Thượng viện, không giống như ông Chuck Hagel trước đây, tờ báo này bình luận. Nhưng ông sẽ phải đối mặt với một mớ hỗn độn những vấn đề an ninh cấp bách, chắc chắn ngang bằng với thời điểm ông Hagel nhậm chức. Nhiệm vụ của ông bắt đầu với việc phải phát triển một chiến lược nhằm “làm suy yếu và tiến tới đánh bại hoàn toàn” nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Carter cũng phải tìm ra phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, căng thẳng giữa Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng quanh việc đóng cửa nhà tù Guantanamo Bay (Cuba), cũng như mối lo ngại tại Lầu Năm Góc về tác động của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Do Tổng thống Mỹ Barack Obama giữ vững quan điểm duy trì hạn chế sự tham gia của quân đội Mỹ ở nước ngoài sau những cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan, ông Carter được coi là cầu nối quan trọng giữa Nhà Trắng và các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc. Nhà Trắng không bình luận gì về thông tin ông Carter sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng Phát ngôn viên Josh Earnest dành nhiều lời khen cho nhân vật tuy rất ít người ngoài biết đến, nhưng nổi tiếng trong Lầu Năm Góc là một nhà kỹ trị và có trí tuệ sắc bén.
Ngoài thời gian phục vụ Nhà nước, ông Carter cũng từng đứng đầu Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế tại trường John F Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard và làm Chủ tịch Hội đồng Biên tập tạp chí An ninh Quốc tế. Ông có gia đình với hai người con và từng viết chung 11 cuốn sách, là tác giả của nhiều bài báo, nhiều ấn phẩm khoa học và nhiều chương trình nghiên cứu của Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét