Không thể chậm chân
Tại Washington, nghị quyết mang mã số H.Res-714 lần đầu tiên được thông qua tại Hạ viện ngày 4/12, với sự ủng hộ tuyệt đối, cho thấy mối quan ngại ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực Đông Á, đặc biệt là Biển Đông.
Việc Nghị quyết nhấn mạnh “khu vực biển tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng biển và vùng trời, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của khu vực cũng như thương mại toàn cầu” đã cho thấy Mỹ đã “đọc” rõ mưu đồ Trung Quốc độc chiếm cả Biển Đông và không gian trên Biển Đông.
Cách đây hơn một năm, ngày 23/11/2013, Trung Quốc đã công bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này trên biển Hoa Đông. Nhà nghiên cứu Dylan Loh Ming Hui thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (Trung Quốc) khi đó nhận định, cách thức Bắc Kinh đơn phương thiết lập ADIZ đã khiến nhiều nước trong khu vực khó chịu và cảnh giác cao với Trung Quốc. Bắc Kinh ỷ vào sức mạnh đang lên, đã làm điều đó đơn phương mà không hề tham vấn bất kì quốc gia láng giềng nào hay Mỹ.
Điều này xác nhận sự sẵn sàng hành động đơn phương của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích riêng ở “sân trước” của mình. Và hành động này rất có thể lặp lại với Biển Đông.
Nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông do Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega giới thiệu tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp biển và quyền tài phán tại Biển Đông và Hoa Đông thông qua các biện pháp hòa bình và phối hợp, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn thế giới.
Nhà nghiên cứu Taylor Fravel, Giáo sư Khoa học chính trị, Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cho rằng việc nhận thức rõ mưu đồ ngày càng lớn cũng như khó lường trong những động thái củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khiến Washington không thể đứng ngoài cuộc ở Biển Đông.
“Mỹ còn gì là vị thế hàng đầu thế giới nếu đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông, nhất là trong thời điểm nóng lên dần của các căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán ở đây”, Giáo sư Taylor Fravel nói.
Thời gian gần đây, Mỹ đang “chật vật” tìm cách điều chỉnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực bằng cách nhấn mạnh đến những cái giá mà nước này phải trả nếu sử dụng các biện pháp cưỡng ép và theo đuổi những yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cái giá mà Bắc Kinh phải trả có thể là hình ảnh không đẹp của một nước vi phạm luật pháp quốc tế (đặc biệt là Công ước UNCLOS), quan hệ xấu đi với các quốc gia có tranh chấp.
Tuy vậy, tuân thủ nguyên tắc trung lập, Mỹ đang cố gắng làm sao để có thể can dự nhiều hơn mà không nghiêng về bên nào.
Hành động đơn phương
Trung Quốc ngày 7/12 ngang nhiên thách thức Philippines cũng như Tòa án quốc tế bằng tuyên bố không ra phiên tố tụng vụ kiện tranh chấp bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham giữa 2 nước trên Biển Đông. Đồng thời thách thức trọng tài quốc tế bằng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tranh chấp bãi đá cạn trên biển Đông với Philippines (ảnh: AP )
Một tuần trước khi Bắc Kinh phải đối mặt với vụ kiện tranh chấp trước tòa án quốc tế, dự kiến vào ngày 15/12, bất chấp “trát gọi” của Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS) tại La Haye, Trung Quốc tuyên bố việc từ chối ra tòa là phù hợp với luật pháp quốc tế. Bắc Kinh còn cho rằng “Tòa án Trọng tài không đủ thẩm quyền giải quyết hồ sơ tranh chấp Biển Đông”.
Trước đó, ngày 14/11, tạp chí quốc phòng HIS Jane’s của Anh công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Công trình bằng bê tông sẵn có ở tây nam bãi đá là nơi đồn trú của một đơn vị hải quân Trung Quốc. Công trình này gồm một bến tàu, hệ thống phòng không, hệ thống chống người nhái, thiết bị thông tin liên lạc và một nhà kính.
Động thái này khiến các chuyên gia lo ngại rằng khi Trung Quốc đã hoàn tất nhiều công trình tại Biển Đông thì cũng đồng nghĩa với việc họ có thể tiếp tục đơn phương tuyên bố quản lý vùng phòng không trên đó.
Trong một hội thảo diễn ra 2 ngày 21-22/11tại Bắc Kinh, bà Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington, đã nhận định: “Bãi Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang xây dựng là nơi để máy bay quân sự nước này hạ cánh nhằm kiểm soát khu vực ADIZ trên Biển Đông”. Những động thái này đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên cao hơn.
Nghị quyết Biển Đông và Hoa Đông của Hạ viện Mỹ nêu rõ, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu tuần duyên Nhật Bản tại biển Hoa Đông, bắn tàu cá của Philippines, 2 lần cắt cáp tàu Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng súng đe dọa 4 tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa; Hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam vào tháng 5/2014. Hơn 80 tàu Trung Quốc, trong đó có 7 tàu quân sự, đã được triển khai tại đây để hậu thuẫn hành động khiêu khích này cũng như nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Các hành động trên nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoài ra, Trung Quốc còn đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông với những quy định vi phạm Công ước Chicago của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
“Tham vọng” siêu cường số 1?
The Diplomat từng nhận định: Trung Quốc muốn kiểm soát các lợi ích kinh tế, mà theo đó lợi ích của Mỹ nói riêng và của quốc tế nói chung sẽ bị đe dọa. Tạp chí này cũng công bố những thiệt hại nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên Biển Đông: Thứ nhất, Trung Quốc mong muốn theo đuổi tham vọng bá quyền, trước mắt là với không gian địa lý ở các khu vực xung quanh nước này.
Thứ hai, giảm sự tín nhiệm và dần phá vỡ niềm tin trong hệ thống liên minh của Mỹ, từ đó nới lỏng vành đai Đông Á của Mỹ.
Thứ ba và nguy hiểm nhất là Trung Quốc muốn “đứng trên” cả các quyền được công nhận bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), thậm chí là quyền tự do hàng hải và hàng không của tàu và máy bay giao thông trên những khu vực được coi là tài sản chung của nhân loại.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhận định, khống chế được Biển Đông nghĩa là Trung Quốc sẽ khống chế được an ninh của cả khu vực ASEAN, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
Tiếp đó Trung Quốc sẽ khống chế cả khu vực Thái Bình Dương, vòng xuống phía Nam Ấn Độ Dương để mặc cả với Ấn Độ, tiến tới Nam Á và vươn tới vùng dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới ở Trung Đông- Bắc Phi.
"Lằn ranh đỏ”
Theo nhà nghiên cứu Taylor Fravel: Cam kết hậu thuẫn các nước nhỏ xung quanh Biển Đông là cách thức duy nhất ở thời điểm này để Mỹ thực thi chính sách “xoay trục” và “chống đỡ” với tham vọng “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Taylor Fravel cho rằng với cam kết này, Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở lời nói. Ông cảnh báo những diễn biến Biển Đông hiện nay chưa qua ngưỡng để Mỹ hành động.
Trong tương lai, Mỹ ngày càng phải sát sao theo dõi, tiếp tục tham gia vào nỗ lực quản lý căng thẳng ở Biển Đông, nếu các tranh chấp trong việc phân định lãnh thổ và các quyền trên biển vẫn nhức nhối hoặc bùng nổ thành xung đột./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét