(PetroTimes) - Thế giới đang bị phân cực mạnh mẽ trong những phản ứng trước kết quả sơ bộ bầu cử tại miền đông Ukraina.
Kiểm phiếu bầu tại một phòng phiếu ở Donetsk, miền đông Ukraina, ngày 2/11.
Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều về kết quả cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk. Một bên là Ukraina và các đồng minh phương Tây với bên kia là Nga.
Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử tại hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk được công bố hôm nay, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã lên tiếng chỉ trích và kêu gọi Nga không công nhận kết quả bầu cử.
Ông Poroshenko cho rằng cuộc bầu cử này là "một vở hài kịch, được tiến hành trước họng súng xe tăng và súng máy, vi phạm một loạt thỏa thuận trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk về lệnh ngừng bắn giữa phe nổi dậy và Kiev."
Tổng thống Poroshenko nêu rõ: "Tôi hy vọng Nga sẽ không công nhận cái gọi là các cuộc bầu cử này vì chúng rõ ràng vi phạm thỏa thuận Minsk được ký hôm 5/9 - mà đại diện của Nga cũng tham gia ký kết".
Trước đó, chính quyền Ukraina cũng mở một cuộc điều tra hình sự đối với những người tổ chức các cuộc bầu cử này.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là có phản ứng gay gắt nhất, đồng thời khẳng định sẽ không công nhận kết quả bầu cử diễn ra ngày 2/11 tại CHND tự xưng Donetsk và Lugansk mà họ cho là bất hợp pháp.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Mark Stroh cho hay, cuộc bầu cử diễn ra tại Lugansk và Donetsk diễn ra trái với Hiến pháp Ukraina, cũng như các thỏa thuận Minsk mà các bên liên quan đạt được hồi đầu tháng 9 vừa qua.
Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh nhấn mạnh, cuộc bầu cử tại các tỉnh miền đông Ukraina là “bất hợp pháp” và “EU sẽ không công nhận kết quả bầu cử của họ”.
Cùng ngày 3/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo Nga không nên công nhận cuộc bầu cử của lực lượng đối lập miền đông Ukraina. Theo ông, các cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Donetsk và Lugansk sẽ làm suy yếu những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.
Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng. Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, ông Farhan Haq, cho rằng cuộc bầu cử phía đông Ukraina vi phạm thỏa thuận Minsk. Ông Haq nhấn mạnh rằng, cuộc bầu cử sẽ không đóng góp một giải pháp mang tính hòa bình nhằm chấm dứt các cuộc xung đột ở phía đông nam Ukraina.
Tuy nhiên, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ lại từ chối bình luận câu hỏi về việc “có hay không sự hợp tác của LHQ với các cơ quan của “Nhà nước Nhân dân” tự xưng ở Donetsk và Lugansk”. “Ở giai đoạn này, tôi không có gì để nói về điều đó”- ông Farhan Haq nói.
Trong khi đó, Nga hôm nay khẳng định cuộc bầu cử ở miền đông Ukraina là hợp lệ.
Trong một tuyên bố chính thức Bộ Ngoại giao Nga cho hay: “Các cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk được tổ chức một cách có tổ chức và với số lượng cử tri đi bầu cao. Chúng tôi tôn trọng thiện chí của các công dân của phía đông nam Ukraina”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Các đại biểu do dân bầu sẽ có trách nhiệm giải quyết các nhiệm vụ chính trị để khôi phục lại cuộc sống yên bình cho các khu vực”.
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Cuộc bầu cử là cần thiết để thực hiện các bước đi tích cực nhằm thiết lập các cuộc đối thoại bền vững giữa các cơ quan trung ương Ukraina và đại diện của Donbass phù hợp với thỏa thuận Minsk”.
Ngoài ra, Nga cũng khẳng định, Moskva “luôn sẵn sàng cùng với các đối tác quốc tế tiếp tục đóng góp một cách xây dựng để giải quyết tình trạng khủng hoảng ở Ukraina”.
Hiện tại các đồng minh của Nga chưa có phát biểu gì về cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, phản ứng của họ cũng chỉ dừng lại ở mức trung lập, nhưng sẽ có một vài nước thừa nhận.
Về phía các đồng minh phương Tây cũng sẽ có những bước đi tương tự trong vài ngày tới. Quan điểm đối nghịch chủ đạo vẫn sẽ là giữa Nga và phương Tây. Điều này có thể sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của các bên vốn đã căng thẳng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Hôm 29/10, EU tuyên bố không loại trừ khả năng áp đặt gói trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp Moskva chính thức công nhận cuộc bầu cử ở miền đông Ukraina.
Xem ra, cơ hội đàm phán để giải quyết khủng hoảng Ukraina còn rất mong manh khi mà mâu thuẫn phe phái đang bị khoét sâu thêm sau bầu cử, giao tranh thì vẫn tiếp diễn và ngay trong nội bộ chính quyền Kiev cũng tồn tại nhiều vấn đề do Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk chưa hẳn đã chia sẻ quyền lực một cách êm thấm.
Th.Long (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét