(PetroTimes) - Vì nể mặt các đồng minh, Pháp gần đây nói rằng hoãn kế hoạch giao cho Nga tàu chiến Mistral để...chờ tình hình Ukraina! Nhưng nền kinh tế và người đóng thuế ở Pháp không đủ kiên nhẫn nên mới có chuyện người đứng đầu công ty đóng tàu của Pháp mời Nga đến nhận tàu.
Tàu tấn công đổ bộ Mistral Pháp đóng cho Nga
Ngày 29/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Dmtri Rogozine đã cho đăng trên tài khoản Twitter của mình bức thư của đơn vị đóng tàu Mistral mời phía Nga tới dự lễ trao tàu vào ngày 14/11/2014 tại Saint Nazaire, Pháp. Trong thư còn có đầy đủ các chi tiết lễ tân, đón tiếp.
Ngay lập tức, Paris đã phải cải chính và nhấn mạnh, thời điểm 14/11 không có giá trị. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Michel Sapin nhắc lại tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp vào ngày 3/9 vừa qua, là Paris chỉ giao tàu chiến cho Moskva nếu nhận thấy hội đủ các điều kiện, tức là tình hình ở Ukraina phải được cải thiện rõ rệt.
Vậy bây giờ đã hội đủ điều kiện chưa? Paris tuyên bố rằng việc chuyển giao con tàu đầu tiên là không thể chấp nhận do tình hình chính trị hiện nay. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo ý định kiên quyết thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, Paris cũng đã có động thái trấn an đồng minh. Ngày 31/10, chính phủ Pháp ra thông báo sa thải Yves Destefani, Giám đốc công ty đóng tàu Pháp DCNS, vì đã viết thư mời Nga đến nhận tàu.
Mistral là loại tàu chiến lớn nhất, chỉ sau hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, dài 199m, trọng tải 21 ngàn tấn, có tốc độ di chuyển là 19 hải lý/giờ. Là tàu chỉ huy kiêm vận tải chuyển quân, Mistral có thể chở được 450 binh sĩ, 16 trực thăng hạng nặng, 2 xe lội nước hoặc 4 thuyền đổ bộ. Tàu cũng có thể chở được tới 60 xe bọc thép hoặc xe tải hậu cần. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, với hai phòng giải phẫu.
Ngay trước khi ký hợp đồng đóng tàu cho Nga, vào năm 2011, chủ đề này đã gây tranh luận tại Pháp, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại chuyển giao công nghệ cao cho Nga. Bây giờ, nếu giao tàu chiến cho Nga, Pháp sẽ bị Mỹ và châu Âu chỉ trích, đặc biệt là từ phía nước vùng Baltic và Ba Lan. Nguy cơ là Pháp có thể không được tham gia các hợp đồng hiện đại quân đội Ba Lan, trị giá hàng chục tỷ euro.
Thế nhưng, nếu không giao tàu, thì hình ảnh và uy tín Pháp, trong tư cách nhà xuất khẩu, sẽ bị tổn hại và ngân sách quốc phòng Pháp cũng bị hao hụt. Bên cạnh đó, khoảng 300 lao động trên công trường đóng tàu Saint Nazaire bị đe dọa. Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì các yêu cầu chính trị nội bộ có thể thắng thế đối với các thách thức địa chiến lược. Sự sống còn của tổ hợp công nghiệp quân sự phụ thuộc vào việc thực hiện các hợp đồng quan trọng này. Chính vì thế, bên quân đội Pháp, nhất là Hải quân, người ta vẫn tin tưởng là hợp đồng giao tàu sẽ được thực hiện, vì theo họ, tàu Mistral không phải là một vũ khí chiến lược.
Chưa kể hợp đồng này lúc thương thảo không có kèm điều khoản về bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraina.
Hiện Nga vừa gây sức ép, vừa tỏ ra không cần. Cách đây một tháng, Phó Tư lệnh Hải quân Nga phụ trách vấn đề vũ trang, Victor Bursuc tuyên bố Nga không phụ thuộc vào Pháp trong vấn đề chế tạo tàu Mistral và có thể tự đóng các chiến hạm kiểu này. Theo ông Bursuc, đây chỉ là một trong những hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự không hơn không kém. Trước đó, phát ngôn viên điện Kremlin, Sergei Ivanov tuyên bố Nga sẽ kiện Pháp trong trường hợp nước này không giao Mistral và yêu cầu trả tiền bồi thường hủy hợp đồng.
Tính đến thời điểm này, các cố vấn thân cận của Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn tin tưởng là Paris sẽ thực hiện hợp đồng giao tàu cho Nga, bởi vì Nga và châu Âu “đang ở trong giai đoạn làm dịu căng thẳng. Tình hình chưa bao giờ tốt như hiện này”.
Nh.Thạch (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét