Thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập ở miền Đông vào tháng 9 vừa qua được dư luận kì vọng là “nút gỡ’ cho những bế tắc kéo dài liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Lãnh đạo lực lượng đối lập tại phía Đông Ukraine ngày 4/11 đã tuyên thệ nhậm chức bất chấp sự phản đối của Chính phủ Ukraine và phương Tây.
Phát biểu tại buổi lễ, Tân Tổng thống mới của nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk Zakharchenko cam kết sẽ đáp ứng sự kỳ vọng của các cử tri, bằng việc tuyên bố đảm bảo an toàn cũng như nâng cao đời sống của người dân Donetsk.
Chính phủ Ukraine ngay lập tức lên án cuộc bầu cử bất hợp pháp tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới, “theo luật pháp của Ukraine” tại các khu vực ở miền Đông nước này.
Trong một động thái có thể khiến đối đầu gia tăng giữa Chính phủ và lực lượng đối lập tại miền Đông cũng như đẩy thỏa thuận hòa bình Minsk có nguy cơ đổ vỡ, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 4/11 yêu cầu cử các đơn vị quân đội mới được thành lập đến để bảo vệ các thành phố phía Đông.
Không chỉ khiến tình hình phía Đông Ukraine bất ổn hơn, cuộc bầu cử tại miền Đông cũng đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi vào tình trạng đối đầu với những cảnh báo trừng phạt mới được đưa ra.
Chính quyền Ukraine lên án các cuộc bầu cử này và coi đó là bất hợp pháp. Mỹ, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tuyên bố không công nhận kết quả các cuộc bầu cử tại miền Đông.
Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tôn trọng nguyện vọng của người dân khu vực Đông Nam sau cuộc bầu cử. Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg ngày 4/11 cáo buộc quân đội Nga vẫn tiếp tục hiện diện trong lãnh thổ phía Đông Ukraine và một lực lượng quân đội Nga đang hướng gần đến phía biên giới với Ukraine. Nga hiện vẫn phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc này của phương Tây.
Cao Ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Mogherini ngày 4/11 cũng cho biết, Liên minh châu Âu đang đáng giá về tình hình tại Ukraine để quyết định có tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hay không.
Bà Mogherini nói: “Chúng tôi vẫn đang đánh giá tình hình để có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt. Dựa vào những diễn biến tại Ukraine, chúng tôi sẽ có thể tăng cường, dỡ bỏ hay giới hạn các biện pháp trừng phạt. Quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra trong những tuần sắp tới”.
Dự kiến vấn đề Ukraine sẽ được đề cập tại cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu vào ngày 17/11 tới.
Trước những cảnh báo trừng phạt mới của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/11 khẳng định sự đoàn kết người dân Nga trong việc đối mặt với các thách thức.
“Năm nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Điều này đã xảy ra hơn một lần trong lịch sử của nước Nga. Người dân Nga phản ứng lại các thách thức này bằng sự đoàn kết, tinh thần đạo đức, tôn trọng sự thực và nguyện vọng cho sự công bằng. Không có mối đe dọa nào buộc chúng tôi phải đi ngược lại các lí tưởng và giá trị này”, ông Putin nhấn mạnh.
Phía Nga cho rằng, cách tốt nhất hiện nay để “đóng băng cuộc xung đột” Ukraine đó là lực lượng đối lập và quân đội Chính phủ phải tham gia đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, Chính phủ Ukraine hiện bác bỏ khả năng này, khiến triển vọng hòa bình khó đến sớm được với khu vực miền Đông Ukraine./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét