Áo choàng đen, mặt nạ trắng

Nhóm “The Immortals” (Bất diệt) là một minh chứng cho sự trỗi dậy của các nhóm phát xít mới, với chủ trương chống toàn cầu hóa và chống dân chủ. Họ cũng cảnh báo về xu hướng tuyệt diệt sắp xảy đến với người dân Đức và kêu gọi xây dựng một nước Đức chỉ của người Đức. Nhóm này thường sử dụng tin nhắn điện thoại để tổ chức các cuộc biểu tình buổi đêm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thị trấn tập trung nhiều trường đại học. Những người biểu tình mang áo choàng đen, mặt nạ trắng để giấu nhân thân. Mỗi cuộc biểu tình chỉ kéo dài 15 phút, và sau đó tất cả biến mất, khiến cảnh sát hầu như không thể bắt giữ họ.

“Những kẻ lãnh đạo nhóm này thường cố gắng thu phục thành viên từ tầng lớp thượng lưu và những sinh viên mà một ngày kia sẽ trở thành luật sư hay bác sĩ cho nhóm cánh hữu”, Martin –một cựu thủ lĩnh nhóm phát xít mới tại Đức - giải thích. “Họ thực hiện tất cả những chiến dịch này một cách thầm lặng. Bạn không thể hình dung về gương mặt cụ thể của những người ủng hộ phong trào này. Nếu bị phát hiện, họ có thể bác bỏ sự liên đới, nhưng thực ra họ tham gia rất sâu rộng”, ông ta cho hay.

“Vùng tự do”

Các thành viên nhóm cực hữu cho biết luôn cảm thấy bị cảnh sát săn đuổi và bị bao vây bởi luật hậu chiến, theo đó cấm họ được chất vấn về thảm họa diệt chủng người Do thái và được tụ tập đông người để ủng hộ phát xít Đức.

Tại Berlin có một khu vực nổi tiếng là trung tâm của các nhóm phát xít mới, với cái tên “The Executioner” (Người hành hình). Phần lớn những người có mặt tại đây đều nhìn những người mới đến với con mắt nghi ngờ và dò xét. Nhưng sau vài chầu cocktail “Himla” vui vẻ, Uwe Dreisch, cựu lãnh đạo của nhóm phát xít mới hiện bị cấm hoạt động thì thầm: “Chúng tôi là ai ư? Chúng tôi là những người theo phái quốc gia. Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến quê hương. Chúng tôi không thích những gì đang diễn ra tại nước Đức. Chúng tôi muốn tái thiết đất nước, với người dân của chúng tôi: Người Đức”.

“Chúng tôi muốn bảo vệ văn hóa, bảo vệ đất nước và tôn giáo. Nếu ở Anh, là một người Anh, hẳn bạn sẽ rất tự hào về mình. Còn ở Đức, tôi – một người Đức - lại bị liệt vào công dân hạng hai. Bởi nước Đức cứ mang mãi gánh nặng tội lỗi về chiến tranh. Những người khác thì được đối xử ưu đãi, nhưng họ không phải là người Đức”.

Những kẻ ủng hộ phe cực hữu muốn thiết lập một trật tự mới ở Đức. Song trong lúc vẫn phải sống trong thể chế hiện tại, những nhóm này đã lập ra các khu vực gọi là “tự do quốc gia” trên khắp đất nước. Ví dụ nổi tiếng nhất là Jamel, một ngôi làng tại miền bắc Đức, nơi người dân chủ yếu là thành viên cực hữu.

Ở giữa ngôi làng là một tranh bích họa vẽ một người mẹ Đức truyền thống đang ôm con, với những đứa con khác vây quanh.

Udo Pastoers, nhân vật thứ hai trong đảng NPD,  đảng chính trị cực hữu hợp pháp, đang xúc tiến chiến dịch kêu gọi những người Đức bản xứ nên có thêm nhiều con. Bức bích họa của NPD vẽ một cặp cha mẹ tóc vàng đang tươi cười ôm những đứa con cũng tóc vàng. Ông Pastoers lo ngại tỉ lệ sinh tại Đức quá thấp và phụ nữ cần “sinh đẻ” nhiều hơn để nước Đức sẽ vẫn xứng đáng là của dân tộc Đức. “Hãy tưởng tượng một quốc gia Đức nhưng dân số lại toàn gốc Phi, Arab và Châu Á. Sự gắn kết sinh học chính là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi”, ông nói.

Dù NPD không có thành tích vẻ vang trong các đợt bầu cử, song thành viên của đảng này vẫn được bầu vào 2 trong số 16 nghị viện khu vực tại Đức.

Thông điệp mới


Trong nỗ lực tăng thành viên, NPD đã tận dụng cơ hội về những khó khăn kinh tế gần đây tại nước Đức do khủng hoảng toàn cầu. NPD và các phong trào cánh hữu đã mở rộng mạng lưới hoạt động và điều hành các trung tâm thiếu niên, các câu lạc bộ bóng đá và cung cấp lời khuyên về phúc lợi đối với những gia đình nghèo. Song ông Martin cho rằng các quân bài xã hội của đảng này không trung thực. “Họ không thể giành được thắng lợi đối với các tầng lớp xã hội với học thuyết phát xít. Các cuộc thảo luận về phúc lợi xã hội của họ đã thuyết phục được người dân hiện nay, nhưng đó đều là giả dối”.