Theo trang web “Đông Phương” ngày 16-10 đưa tin: Tư lệnh lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) cam kết sẽ tăng cường hợp tác với lục quân Mỹ, để duy trì bảo đảm pháp luật ở khu vực châu Á. Lời cam kết này chính là sự bày tỏ lập trường cứng rắn của Tokyo đối với Bắc Kinh, nước đang có mâu thuẫn tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng trong khu vực.
Theo Kyodo News ngày 14-10, phát biểu trong khi tham dự một hoạt động chung với lục quân Mỹ ở Washington, Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Kiyohumi Iwata tuyên bố: "Lục quân Mỹ và GSDF đóng vai trò chủ chốt ở khu vực châu Á, đồng thời có thể cùng chia sẻ môi trường khu vực dựa trên cơ sở pháp luật và trật tự”.
Ông Iwata nói: “Không may và cũng không thể phủ nhận rằng, một số quốc gia trong khu vực có ý đồ sử dụng vũ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng”, ông bổ sung “những quốc gia này đưa ra các yêu cầu là vì lợi ích hải dương cốt lõi của họ, đồng thời đe dọa triển khai quân tới các hòn đảo này" - điều này nhằm ám chỉ đến Trung Quốc.
Vào trước năm tài khóa 2018, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng một lực lượng có chức năng giống như lực lượng hải quân đánh bộ của Mỹ, để tăng cường khả năng phòng ngự các đảo xa, trong đó bao gồm cả đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Ông Iwata nói, cùng hợp tác với Mỹ có thể tránh cho các quốc gia hiểu nhầm là Nhật dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng “điều này vô cùng quan trọng đối với các nước đồng minh và quốc gia có quan hệ hữu hảo” và ông bày tỏ “tôi không có ý định chỉ tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào”.
Nhật quyết định tăng cường vũ khí trang bị để đối phó với Trung Quốc
|
Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật cũng đã công bố kế hoạch mua thêm một chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi nặng 9.000 tấn, đưa tổng số tàu lớp này lên 4 chiếc. Sau khi đưa 2 chiếc tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga 19.000 tấn vào biên chế, họ còn có kế hoạch chế tạo thêm 2 chiếc tàu chở trực thăng 27.000 tấn nữa để hỗ trợ các hoạt động đổ bộ đánh chiếm đảo.
Đồng thời, có thể Nhật sẽ mua sắm máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B để trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ. Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH chuyên chở trực thăng tấn công, nhưng được xây dựng theo mô hình các tàu đổ bộ tấn công Mỹ nên có khả năng mang theo tới 12 chiếc F-35B. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu cấp thêm kinh phí để mua sắm các loại máy bay UAV trinh sát để trang bị trên các chiến hạm này.
Theo tạp chí “Jane’s Defence Weekly” ngày 14-10 đưa tin, trong báo cáo sửa đổi nguyên tắc chỉ đạo liên quan đến an ninh Mỹ-Nhật, hợp tác quân sự trên hai lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng là những yếu tố cốt lõi mới.
Tạp chí mô tả: “Một quan hệ đối tác rộng hơn, mối quan hệ này cần tăng cường năng lực và trách nhiệm chia sẻ tầm cao hơn”. Báo cáo này là bước đi mới nhất trong việc sửa đổi nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng với tên gọi “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật”.
Hai nước đã quyết định sửa đổi nguyên tắc này vào tháng 10-2013. Việc sửa đổi đã cung cấp “Khung tổng thể và chính sách chỉ đạo” cho quan hệ song phương. Hai bên thừa nhận sẽ ký nguyên tắc chỉ đạo mới vào trước cuối năm nay.
Lực lượng đổ bộ của Nhật huấn luyện đánh chiếm đảo |
Nguyên tắc chỉ đạo hiện nay vốn được sửa đổi năm 1997, để chuẩn bị cho trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên, giới hạn hợp tác quốc phòng giữa hai nước chỉ trong phạm vi khu vực quanh Nhật Bản.
Do vậy, Tokyo và Washington đặt mục tiêu xác định lại mô hình hợp tác cần thiết để có thể phản ứng linh hoạt và kịp thời trước các tình huống xấu có thể xảy ra tại những khu vực khác như trên biển Hoa Đông.
Theo ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã hết sức nỗ lực xem xét lại toàn diện môi trường an ninh và những thách thức mà liên minh Mỹ - Nhật đang phải đối mặt. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật trong tương lai sẽ luôn chặt chẽ, mạnh mẽ và cũng linh hoạt, giải quyết hiệu quả các thách thức”.
Nguyên tắc chỉ đạo mới cũng sẽ quy định cho Nhật Bản một trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh của chính mình cũng như trong khu vực, nhằm giảm bớt gánh nặng cho quân đội Mỹ.
Từ tháng 7-2014, nội các của thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định diễn giải lại hiến pháp để mở rộng hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và phát huy tác dụng của liên minh Mỹ-Nhật trong việc ngăn chặn “tình hình an ninh Nhật Bản xấu đi”.
Báo cáo nói đến là “môi trường an ninh hiện tại”, trong đó “các mối đe dọa quốc tế mới nổi không ngừng xuất hiện” có thể “ảnh hưởng trực tiếp” đến Nhật Bản. Nhật Bản và Mỹ sẽ nghiên cứu thỏa đáng quyết định của Tokyo về phòng thủ tập thể; tăng cường trao đổi hoạt động giữa hai nước nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh của Nhật Bản từ thời bình đến những tình huống bất ngờ.
Đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Liên minh Mỹ-Nhật cần mở rộng quy mô hợp tác toàn cầu, hợp tác trong các lĩnh vực mới như: Không gian vũ trụ và không gian mạng; tình báo, giám sát và trinh sát; trên không và phòng thủ tên lửa; đảm bảo biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu quả; hỗ trợ hậu cần, nhân đạo và “an ninh hàng hải”.
Báo cáo cũng cho biết, nguyên tắc chỉ đạo sửa đổi sẽ được mô tả chi tiết trong quy định hiến pháp mới, “vạch ra chi tiết hợp tác giữa hai chính phủ trong các tình huống liên quan đến một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào Nhật và trong trường hợp có cuộc tấn công nhắm vào một quốc gia có quan hệ gần gũi với Nhật, mà hiến pháp Nhật cho phép sử dụng vũ lực”.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, thủ tướng Abe đã thay đổi luật hạn chế ngân sách quốc phòng và nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí, những điều này đã làm ngân sách quốc phòng Nhật đạt mức cao kỉ lục.
Hồi tháng 12-2013, Nhật Bản thông qua các định hướng quốc phòng, theo đó, việc phòng thủ hải đảo phía nam là một ưu tiên, nhất là đối với các đảo do Nhật kiểm soát, nhưng có tranh chấp với nước khác như là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tiếp đó, vào tháng 7-2014, Nhật Bản có thay đổi lịch sử về chính sách an ninh khi tuyên bố nới lỏng hiến pháp, nhằm cho phép quân đội Nhật được chiến đấu ở nước ngoài. Theo quy định mới, quân đội Nhật có khả năng bảo vệ Mỹ và các nước đồng minh nếu xảy ra chiến tranh, ngoài ra, Nhật cũng sẽ cùng Mỹ đóng vai trò gìn giữ hoà bình và an ninh hàng hải trong khu vực.
Với việc điều chỉnh nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Nhật Bản chẳng khác gì "hổ mọc thêm cánh".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét