Với một kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng, không bao lâu nữa Hải quân Australia sẽ là đối thủ đáng gờm để Trung Quốc phải dè chừng ở Thái Bình Dương và thậm chí cả ở Biển Đông.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI): Chính phủ Australia đang có một kế hoạch khá tham vọng để phát triển lực lượng hải quân với tổng số tiền lên đến hơn 60 tỷ USD được thực hiện từ nay tới 2030. Cụ thể họ có ý định mua 58 chiếc máy bay F-35 hiện đại của Mỹ với tổng giá trị hợp đồng 12,4 tỷ USD và giao hàng vào năm 2020. Cùng với đó là hợp đồng mua 8 máy bay trinh sát chống ngầm trị giá 4 tỷ USD giao hàng năm 2017 và 2 tàu đổ bộ tấn công giá 3,1 tỷ USD giao hàng năm 2014.
Mặt khác, Australia cũng có một kế hoạch trang bị lớn cho hải quân bằng những tàu đóng trong nước. Đó là 3 tàu khu trục phòng không trị giá 8 tỷ USD giao hàng năm 2015 cùng 12 tàu ngầm trị giá 36 tỷ USD được trang bị dần từ nay đến năm 2030.
Những loại vũ khí Australia đang có kế hoạch trang bị. Ảnh: SIPRI.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, Australia hiện nay là nhà nhập khẩu lớn thứ 7 của vũ khí lớn trên thế giới và cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ. Nước này luôn mua 10% của tổng số lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Tính đến năm 2013, trong 5 năm liền, lượng nhập khẩu vũ khí lớn của Australia (máy bay, tàu chiến, xe tăng…) đã tăng 83%. Đây là một phản ứng đối với những căng thẳng trong khu vực châu Á cũng như đối với mối lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong khu vực.
Các số liệu của SIPRI không chỉ đo bởi giá trị tiền tệ mà còn đo năng lực của các loại vũ khí được mua và nó được tính trong 5 năm để loại bỏ biến động do hợp đồng lớn trong các năm cá biệt tạo ra. Do đó nó là thước đo chính xác nhất về xu hướng trong sản xuất và buôn bán vũ khí.
Những thương vụ mua sắm lớn của Australia gần đây bao gồm: Trực thăng chiến đấu từ Pháp, xe bọc thép của Đức, hệ thống radar từ Thụy Điển, pháo từ Anh, máy bay tiếp dầu trên không từ Tây Ban Nha cùng máy bay chiến đấu, vận tải và trực thăng, UAV, tên lửa chống tăng, tên lửa đối không từ Mỹ.
Chi tiêu quốc phòng của Australia cũng được dự đoán sẽ tăng thêm nữa. Tháng trước, quốc phòng là lĩnh vực duy nhất không bị cắt trong ngân sách liên bang Australia. Thậm chí nó được đẩy mạnh thêm 6% với khoảng 1,5 tỷ USD. Quan trọng nhất là Chính phủ nước này cam kết chi 12,4 tỷ USD để mua thêm 58 máy bay F-35 mới vào năm 2020.
Chương trình xuất khẩu F-35 của Mỹ mà Australia là một trong 9 khách hàng tham gia, là dự án buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Cảm nhận mối lo từ Trung Quốc
Trên quy mô thế giới, hiện tại 3 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất vẫn là Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc vẫn nhập khẩu rất nhiều vũ khí mặc dù ngành công nghiệp lớn của nước này đã sản xuất được nhiều vũ khí. Trong tổng kim ngạch thương mại vũ khí toàn cầu, khu vực châu Á và châu Đại Dương đã chiếm 47%.
Siemon Wezeman – phóng viên cao cấp của SIPRI nói rằng đó là do các nền kinh tế châu Á đang phát triển và có tiền để mua vũ khí đắt tiền mặt khác cũng còn do khu vực này tiềm ẩn nhiều bất ổn định.
Một tàu chiến của Hải quân Australia.
Sự đối lập tồn tại khắp châu Á. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Phillippines cũng tăng lên ở Biển Đông sau khi Trung Quốc cố gắng đặt một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Australia cũng không tránh khỏi những áp lực trong khu vực. Một phần của sự gia tăng chi tiêu quốc phòng được giải thích là hoạt động “hiện đại hóa theo chu kỳ của lực lượng vũ trang”. Nhưng rõ ràng Australia cũng đang tìm cách tăng cường khả năng quân sự của mình. Wezeman nhấn mạnh: “Có một cảm giác rõ ràng về mối đe dọa tiềm năng và mối đe dọa đó là một từ năm chữ cái bắt đầu với chữ C (ám chỉ China), mặc dù nó không phải luôn luôn được đề cập đến”. Hết phần trích dẫn.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Diplomat đưa tin rằng Australia đã quyết định sẽ cung cấp tàu tuần tra cho 12 nước trong khu vực trong một kế hoạch có giá trị 1,88 tỷ USD. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng Australia cần phải có hành động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc. Trên trang Nationalinterest mới đây có đăng một bài phân tích cho rằng trong khi Trung Quốc đang ngày càng cố gắng để độc chiếm Biển Đông, Australia cần có hành động để ngăn chặn bằng cả pháp lý lẫn ủng hộ cho các nước trong khu vực về cơ sở vật chất để giữ gìn môi trường an ninh.
Dù Chính phủ Australia không nói ra và các kế hoạch mua sắm cũng không phải chỉ xuất hiện do tác động của sự kiện giàn khoan thì nó vẫn chứng tỏ rằng Australia đã để ý đến mối lo ngại từ phía Trung Quốc từ lâu và đang nỗ lực để kiểm soát mối lo đó.
Trần Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét