Nga không thể bỏ qua Biển Đông đã thể hiện trong việc ký kết hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam đúng thời điểm Dương Khiết Trì sang làm việc.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Nga đang trở thành đề tài xoi mói của truyền thông Trung Quốc để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, lấp liếm cho các hoạt động mưu đồ bá quyền bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông.
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 23/6 tiếp tục luận điệu tuyên truyền “Việt Nam dùng cảng Cam Ranh lôi kéo Nga quay trở lại Biển Đông, Moscow sẽ không bỏ lỡ cơ hội dùng Biển Đông để khống chế Trung Quốc” với những suy diễn hết sức chủ quan, méo mó và nhai lại mà chúng tôi đã đề cập TẠI ĐÂY.
Đa Chiều cho rằng, phản ứng của Nga gần đây về vấn đề Biển Đông đã khác trước. Trong cuộc khủng hoảng Scarborough tháng 4/2012, Nga công khai ủng hộ Trung Quốc và chỉ trích các nước khác “can thiệp vào Biển Đông”. Bản thân Moscow cũng nhiều lần tuyên bố rõ lập trường chính thức rằng người Nga sẽ không can thiệp vào Biển Đông. Phản ứng như vậy theo Đa Chiều là vì Kremlin còn phải “nhìn mặt” Trung Nam Hải.
Trong vấn đề Syria, Ukraine hay các sự vụ quốc tế khác Moscow cần có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, do đó người Nga không dám lên tiếng rõ ràng như Mỹ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là Biển Đông không phải vấn đề người Nga muốn “lợi dụng”. Không có bạn bè vĩnh viễn, cũng chẳng có lợi ích vĩnh hằng, một khi quan hệ Trung – Nga đổ vỡ, Biển Đông sẽ trở thành vấn đề Moscow có thể lợi dụng để đối phó với Bắc Kinh.
Khác với Obama đã chùn tay khi nhắc tới vũ lực sau những tổn thất nặng nề ở Afghanistan và Iraq, Putin vẫn không loại trừ, thậm chí cảm thấy tâm đắc với khả năng sử dụng vũ lực, vì vậy Đa Chiều suy diễn rằng không thể loại trừ “Trung Quốc – Việt Nam lại tái diễn chiến tranh vì người Nga” lần nữa?!
Tờ báo này cho rằng, Biển Đông hiện đã khó có thể tránh khỏi cảnh binh đao, trong lúc quan hệ chiến lược Trung – Nga còn chưa đổ vỡ, tốt nhất Bắc Kinh nên “ra tay chớp nhoáng”?!
Đa Chiều thừa nhận, về mặt pháp lý, Mỹ, Việt Nam, Philippines đang liên tục tấn công vào đường lưỡi bò (phi pháp) mà tờ báo này cho là “có nhiều khiếm khuyết”, trong khi trên thực tế Nga đang không ngừng gia tăng sự tồn tại ảnh hưởng ngầm của mình, đó là lý do vì sao Bắc Kinh sớm phải “ra tay dứt khoát” ở Biển Đông.
Về mặt chiến lược lâu dài, sự đổ vỡ lợi ích chung trong quan hệ Trung – Nga sẽ là thách thức lớn đối với nền ngoại giao Trung Quốc. Trước khi xảy ra điều này, Bắc Kinh cần tìm cách thoát khỏi những lệ thuộc chiến lược vào Moscow trong các vấn đề quốc tế, đó là việc chuẩn bị Trung Quốc bắt buộc phải làm, Đa Chiều nhận định.
Đa Chiều cho rằng, một khi Trung Quốc tiến gần hơn cái gọi là "giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Quốc" của Tập Cận Bình (bằng con đường bành trướng lãnh thổ?) cũng sẽ là lúc quan hệ chiến lược Trung – Nga đổ vỡ.
Từ năm 1949 đến 1970 là thời kì đồng minh giữa Liên Xô và Trung Quốc do cùng một phe xã hội chủ nghĩa; Từ 1970 đến 1990, quan hệ Trung – Xô đổ vỡ, Trung – Mỹ thiết lập ngoại giao; Từ 1990 đến nay, mâu thuẫn Trung – Mỹ ngày càng lớn, đồng thời mức độ thân mật Trung – Nga cũng đã đạt đỉnh điểm.
Tờ báo lập luận, trong nửa thế kỷ quan hệ Trung Xô từ đồng minh biến thành thù địch, rồi nay lại trở thành “đồng minh” của người Nga còn quan hệ với Mỹ từ tuần trăng mật lại rơi vào thế đối đầu. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, vật cực tắc phản, mâu thuẫn tới mức cùng cực sẽ xuất hiện thay đổi bước ngoặt. Quan hệ thân mật tới mức đỉnh điểm cũng là lúc xuất hiện nguy cơ đổ vỡ. Không có chuyện quan hệ nước lớn sẽ ổn định vĩnh hằng, Trung – Nga cũng không ngoại lệ.
Đa Chiều bình luận, bất luận đối với vấn đề Syria Nga công khai “chống lưng” cho Bashar al-Assad, hay trong khủng hoảng Ukraine đã “thôn tính” Crimea, cách hành xử của Moscow vẫn theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Tờ báo này cho rằng Nga làm như vậy không phải là để vượt qua Mỹ, mà để có được địa vị nước lớn. Mục đích của Putin là tái lập “đế chế Liên Xô”.
Do đó, Việt Nam từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở Biển Đông chắc chắn người Nga sẽ không thể xem nhẹ. Mặc dù quan hệ Trung – Nga đang “tốt đẹp chưa từng có”, nhưng với đà thực hiện (cái gọi là) “giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Quốc” của Tập Cận Bình để “vượt qua nước Mỹ”, đến lúc đó lợi ích an ninh chiến lược Trung – Nga cùng đối phó Mỹ không còn, ngược lại, Mỹ – Nga lại hợp sức để đối phó với Bắc Kinh.
Tờ báo cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Nga vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu, lợi ích quốc gia của Nga và Mỹ về năng lượng là cơ bản thống nhất, muốn giá dầu tăng chứ không muốn giảm. Nga không thể bỏ qua Biển Đông đã thể hiện trong việc ký kết hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam đúng thời điểm Dương Khiết Trì sang làm việc, cho nên Nga không thể là đồng minh của Trung Quốc ở Biển Đông, Đa Chiều kết luận..
Theo Giáo Dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét