Theo lời phát ngôn viên Marlene Holzner, mặc dù việc trung chuyển khí đốt từ Nga đến cho Châu Âu qua Ukraine vẫn là một ưu tiên trong những cuộc đàm phán sắp tới nhưng phái đoàn Châu Âu sẵn sàng thảo luận về dự án Dòng chảy Phía Nam nếu Moscow đưa vấn đề ra.
Trước đó, trong một nghị quyết được thông qua hồi tuần trước, Quốc hội Châu Âu đã kêu gọi giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu huỷ bỏ các thoả thuận với Nga, trong đó có thoả thuận về xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Nam. Đây là dự án nhằm xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt để cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay, ông hy vọng sẽ thảo luận về dự án Dòng chảy Phương Nam với Cao uỷ Năng lượng của Châu Âu – ông Gunther Oettinger vào ngày 26/9 tới.
Nhằm mục đích đa dạng hoá các tuyến đường xuất khẩu khí đốt từ Nga đến cho các khu vực Trung và Nam Âu, Nga đã bắt tay xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phía Nam đi qua Biển Đen từ năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu mà không cần phụ thuộc vào nước láng giềng Ukraine. Dự án Dòng chảy Phương Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở công suất tối đa vào năm 2018. Tuy nhiên, Dòng chảy Phương Nam được cho là sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm sau.
Nga đã ký các thoả thuận liên chính phủ với một loạt nước gồm Bulgaria, Serbia, Hungary, Hy Lạp, Slovenia, Áo và Croatia để tiến hành xây dựng những phần trên bờ của dự án. Tuy nhiên, vào tháng 8, Bulgaria đã tạm ngừng hoạt động này, nói rằng dự án của Nga không đáp ứng các tiêu chuẩn của Uỷ ban Châu Âu.
Uỷ ban Châu Âu thực tế từ lâu đã tìm cách cản trở dự án Dòng chảy Phương Nam với lý do dự án này vi phạm Gói Năng lượng Thứ Ba của Liên minh Châu Âu. Theo quy định của Châu Âu, hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Liên minh Châu Âu không thể thuộc những nước trực tiếp xuất khẩu khí đốt. Đáp lại, Moscow nhấn mạnh dự án xây dựng mạng lưới khí đốt Dòng chảy Phía Nam của Nga không đi ngược lại với những quy định của Châu Âu.
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 1/3 nhu cầu của EU. Dự án thiết lập mạng lưới khí đốt Dòng chảy Phương Nam có thể sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang Châu Âu thêm 25%. Điều này sẽ giúp Moscow tăng thêm ảnh hưởng với Châu Âu sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine dịu dần đi. Đường ống Dòng chảy Phía Nam sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo, Italia ở một nhánh và Croatia, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai. Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành của liên minh EU, đã ra lệnh đình chỉ việc xây dựng đường sống khí đốt Dòng chảy Phương Nam vì lo ngại dự án này sẽ cho Nga hai vai trò song song, vừa là nhà cung cấp khí đốt vừa là chủ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt. EU cũng trì hoãn một số cuộc đàm phán chính trị liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Nam vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, quyết định trên của EU không nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên và cả những nước Châu Âu đang là ứng cử viên gia nhập liên minh này.
Áo, Hungary và Serbia — hai nước đầu tiên là thành viên của EU và nước thứ ba đang là ứng cử viên gia nhập liên minh, cách đây không lâu đã thẳng thừng tuyên bố, họ quyết tâm xây dựng những đoạn đường ống khí đốt theo dự án Dòng chảy phía Nam của Nga đi qua nước họ bất chấp sự phản đối của EU cũng như Mỹ. Đi xa hơn, Áo còn công khai phê chuẩn dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi của Nga giữa lúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang leo thang cao độ và Mỹ cùng EU đang kêu gọi trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, việc EU tuyên bố sẵn sàng đàm phán về dự án Dòng chảy Phía Nam với Nga đã thể hiện một bước đi có phần dịu nhẹ, nhượng bộ sau khi liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
EU tính chuyện gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga
Trong một dấu hiệu thêm nữa thể hiện sự hoà dịu bất ngờ của Liên minh Châu Âu (EU) với Nga, ban chính trị đối ngoại EU đang xúc tiến đánh giá sự tiến triển của kế hoạch hoà bình ở Ukraine với mục đích nhằm chuẩn bị cho một sự sửa đổi hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt mà liên minh này đang áp đặt với Nga, một phát ngôn viên của Cao uỷ Chính sách Đối ngoại EU – bà Catherine Ashton hôm qua (22/9) cho biết.
Sau khi thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga hôm 12/9, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy đã tuyên bố, EU có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lên Nga từng phần hoặc hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình diễn biến ở Ukraine.
Vào cuối tháng 9 này, Hội đồng Châu Âu sẽ thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện về việc thực thi kế hoạch hoà bình đang được triển khai ở Ukraine. Nếu kết quả khảo sát cho thấy, tình hình Ukraine có hy vọng thì Uỷ ban Châu Âu và cơ quan chính sách đối ngoại EU sẽ đưa ra đề xuất nhằm sửa đổi một phần hoặc gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, ông Van Rompuy cho biết.
Phát biểu trên cho thấy, EU cũng nóng lòng muốn gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi chính EU cũng đang “ngấm đòn” từ chính những biện pháp trừng phạt đó.
Việt Báo (Theo_VnMedia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét