Xộc thẳng đến Luhansk
Những chiếc xe tải đầu tiên trong đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga đã trở về nước hôm 23/8, sau khi xộc thẳng đến vùng Luhansk ở miền Đông Ukraine dưới sự hộ tống của các tay súng ly khai.
Hãng tin Newsru.ua dẫn lời đại diện tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan Svoboda của Ukraine, ông Oleg Kaida, nhấn mạnh trong số đội ngũ tài xế và người đi kèm trên đoàn xe Kamaz có hơn 500 quân nhân Nga. Ông lưu ý phía Nga chỉ cho xem xét gần 30 xe nên chẳng ai biết được trên hơn 250 chiếc còn lại chở những gì.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng xác nhận chỉ kiểm tra được 37 chiếc trong số hàng trăm xe tải chạy đến Luhansk.
![]() |
Đoàn xe tải chở hàng viện trợ của Nga hôm 22/8 đi về hướng biên giới với Ukraine, gần thị trấn Donetsk, thuộc vùng Rostov của Nga |
Trước đó, ngày 22/8, giải thích cho hành động tự đưa đoàn xe nhân đạo thẳng tiến đến Lugansk mà không đợi các thủ tục từ phía chính quyền Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Không thể tiếp tục kìm chế trước những điều bịa đặt công khai không giới hạn và không có khả năng đồng thuận. Mọi lý do kéo dài việc cung cấp trợ giúp cho người dân ở khu vực thảm họa nhân đạo đã không còn. Phía Nga đã thông qua quyết định hành động. Đoàn xe chở hàng nhân đạo của chúng tôi đang bắt đầu chuyển động về phía Lugansk”.
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo: “Trách nhiệm cho những hậu quả có thể của các hành động khiêu khích chống đoàn xe nhân đạo hoàn toàn thuộc về những ai sẵn sàng và tiếp tục biến số phận con người thành vật hiến tế cho những tham vọng và ý đồ địa chính trị, chà đạp nghiêm trọng các chuẩn mục và nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế".
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, hành động "câu giờ" của chính quyền Ukraine khiến người dân ở Đông Nam nước này không thể tiếp cận được với hàng hóa cứu trợ trong bối cảnh họ đang phải hàng ngày gánh chịu thảm họa nhân đạo do các cuộc xung đột gây ra.
Đơn phương vào Ukraine, đoàn xe nhân đạo của Nga còn "mang các trang thiết bị được chế tạo từ các nhà máy quân sự ở Ukraine" về nước, theo cáo buộc của người phát ngôn quân đội Ukraine.
Ông Andriy Lysenko nói rằng các thiết bị đó được lấy từ nhà máy Topaz, cơ sở chế tạo hệ thống hệ thống radar Kolchuga, và từ một nhà máy ở Luhansk, cơ sở sản xuất băng đạn cho súng cầm tay.
Theo Tân Hoa xã, ngày 23/8, Nga khẳng định đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đến Ukraine đã quay trở về Nga với những thùng xe trống không.
Phát ngôn viên Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Alexander Drobyshevsky nói với các phóng viên: “Cách nói của họ thật khó hiểu, bởi cả lực lượng biên phòng lẫn các nhân viên hải quan của Ukraine và Nga đều đã kiểm tra tất cả các xe”.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Drobyshevsky nhấn mạnh các nhà báo ở hiện trường, kể cả những nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, đều có thể “đưa ra kết luận độc lập rằng tất cả các xe này đều trống rỗng”.
Trong một động thái có liên quan, hôm 22/8, quân đoàn nhảy dù của Nga đã hoàn tất việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình với hơn 5.000 binh sĩ.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng cho biết liên minh quân sự này đã quan sát được sự tăng cường đáng báo động của lực lượng trên bộ và trên không của Nga gần Ukraine.
Trong một tuyên bố, ông Rasmussen nói: "Chúng tôi cũng chứng kiến sự chuyển giao số lượng lớn vũ khí tân tiến, bao gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân và khẩu pháo cho các nhóm ly khai tại miền Đông Ukraine".
Ukraine và phương Tây có thể làm gì?
Khi đoàn xe nhân đạo của Nga đơn phương tiến vào Ukraine, theo tường thuật của người đứng đầu cơ quan hải quan Ukraine, ông Anatoly Makarenko, các nhân viên hữu trách ở biên giới không thể ngăn cản đoàn xe vì bị một số người có vũ trang không đeo phù hiệu bao vây.
Tình hình còn đáng lo ngại hơn khi Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Biên giới quốc gia Ukraine, ông Pavel Shisholin, thú nhận nước này hiện không thể kiểm soát hơn 100 km đường biên giới với Nga, trong đó có khu vực Izvarino - nơi đoàn xe cứu trợ vượt qua.
Báo Vzglyad nhận định sự kiện Nga đưa được hàng cứu trợ đến Luhansk - vốn đang bị quân đội Ukraine bao vây - mang tính biểu tượng, hoàn toàn vượt xa ý nghĩa nhân đạo.
Theo báo này, đoàn xe là phương tiện thăm dò toàn bộ tình hình khủng hoảng ở Ukraine một cách tổng thể, đồng thời giúp phát hiện những phương cách mà Kiev và phương Tây sử dụng để chống lại Nga.
Cộng đồng quốc tế đã phản ứng trước hành động bất ngờ của Nga khi đoàn xe nhân đạo tự tiến vào Ukraine, đồng thời kêu gọi Mátxcơva tuân thủ luật quốc tế.
Mỹ và NATO yêu cầu Nga rút đoàn xe ngay lập tức, đe dọa gia tăng trừng phạt vì cho rằng Moscow "xâm phạm chủ quyền" nước láng giềng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại trước việc đoàn xe cứu trợ của Nga đi vào lãnh thổ Ukraine và kêu gọi hai bên hợp tác trong vấn đề cứu trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/8 đã có chuyến thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu này.
Thủ tướng Merkel khẳng định Đức sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền Kiev và coi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là một mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Đức.
Bà Merkel cũng đồng tình với kế hoạch Kiev đề xuất về việc coi phân quyền như một bước đi cần thiết khiến những người Ukraine nói tiếng Nga cảm thấy có liên quan nhiều hơn tới vấn đề của đất nước.
Trong buổi gặp này, Thủ tướng Merkel đã chính thức thông báo Berlin sẽ cung cấp khoản tín dụng 500 triệu euro cho Kiev nhằm giúp nước này cải tạo cơ sở hạ tầng năng lượng và nước, đặc biệt tại thành phố Donbass.
Ngoài ra, Đức sẽ hỗ trợ thêm 25 triệu euro nhằm hỗ trợ những người tị nạn và tiếp nhận những binh sỹ Ukraine bị thương nặng tới Đức điều trị.
Theo giới phân tích, trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất châu Âu này chủ trương củng cố quan điểm của cả Kiev và EU liên quan đến những lợi ích kinh tế của hai bên trước khi gặp ông Putin.
An Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét