Mỹ đang bắt tay vào việc huy động thành lập một liên minh lớn cho khả năng tiến hành hành động quân sự tại Syria và đang tiến tới việc mở rộng không kích tại miền bắc Iraq, Thời báo New York ngày 26/8 dẫn nguồn tin từ các quan chức của chính quyền Mỹ cho biết.
Các quan chức giấu tên cho biết Tổng thống Obama đang mở rộng chiến dịch tấn công vào các phần tử Sunni thuộc Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria và sắp sửa đưa ra quyết định cho phép oanh tạc và thả hàng cứu trợ gồm lương thực và nước uống từ trên không vào địa phận thị trấn Amerli nằm ở miền bắc Iraq với 12.000 dân hiện đã bị phiến quân bao vây hơn 2 tháng qua.
Đại diện đặc biệt của LHQ về Iraq, ông Nickolay Mladenov 3 ngày trước đó đã ra một tuyên bố nói rằng tình hình ở thị trấn Amerli “đòi hỏi cần có ngay hành động để ngăn chặn khả năng thảm sát dân thường”.
Trong khi Tổng thống Obama đang cân nhắc cho việc tiến hành các cuộc tấn công mới thì Nhà Trắng cũng đang bắt đầu chiến dịch ngoại giao tìm chọn các liên minh và láng giềng trong khu vực để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự có thể diễn ra.
Cựu đại sứ Robert S.Ford cho rằng chính phủ Mỹ cần theo đuổi một chiến thuật từng bước, khởi đầu là thu thập thông tin tình báo, rồi sau mới là các cuộc không kích có mục tiêu, tiếp đó là cần thu phục sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các quân nổi dậy theo trường phái ôn hòa và cuối cùng là một tiến trình hòa giải chính trị tương tự như đã tiến hành ở Iraq. |
Các nước được ngắm đưa vào danh sách liên minh gồm có Australia, Anh, Jordan, Qatar, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Các quan chức trên cho biết khả năng Anh và Australia sẽ sẵn sàng tham gia vào chiến dịch trên không.
Mỹ cũng muốn có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này có các căn cứ quân sự có thể được sử dụng để hỗ trợ cho chiến dịch ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường quá cảnh của các tay súng nước ngoài, trong đó có những người đến từ Mỹ và châu Âu để vào Syria gia nhập Nhà nước Hồi giáo. Các quan chức này cho biết hiện họ đang yêu cầu giới chức Ankara giúp xiết chặt quản lý biên giới.
Chính quyền Mỹ cũng tìm kiếm sự hỗ trợ về tình báo và do thám của Jordan và hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính của Ảrập Xê út, quốc gia được coi là đang tài trợ cho các tổ chức nằm ở Syria chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Mặc dù các đồng minh trong vùng có nhiều lý do để ủng hộ cho nỗ lực tăng cường chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo nhưng các nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ phải điều hướng căng thẳng giữa họ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert S.Ford cho biết “một trong số những vấn đề đó là nhiều nước có các “khách hàng” của họ nằm trong các nhóm chiến đấu ở Syria. Để tất cả họ hợp tác với nhau, cách tốt nhất là để họ tự chọn ra một “khách hàng” và chuyển toàn bộ tiền qua “khách hàng” đó. Phải có một cơ cấu chỉ huy”.
Tuy nhiên để thuyết phục được các nước giúp Mỹ trong chiến dịch quân sự ở Syria còn cần phải có nhiều nỗ lực khác.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình chuyển giao chính trị với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên làm tổng thống. Trong khi đó Nhà Trắng lại không thể thuyết phục được Thượng viện Mỹ đồng ý cho John Bass làm đại sứ Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho vị trí này bị bỏ trống vào đúng thời điểm quan trọng này.
Các chuyên gia cho rằng việc tập hợp được những người hàng xóm của Syria theo dòng Sunni là việc quan trọng vì chỉ riêng hành động không kích sẽ không đủ để đẩy lùi được Nhà nước Hồi giáo.
Ngày 26/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết 7 nước gồm Albania, Canada, Croatia, Đan Mạch, Pháp, Ý và Anh đã cam kết gửi vũ khí, đạn dược cho người Kurd ở miền bắc Iraq và các chiến dịch sẽ tăng tốc trong những ngày tới khi có khả năng sẽ có thêm nhiều nước nữa quyên góp thêm.
PHẠM QUANG VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét