Báo cáo của Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển có vũ trang tại châu Á (ReCAAP - ISC), trong 6 tháng đầu năm 2014, tại Đông Nam Á xảy ra 8 vụ cướp biển nhằm vào các tàu vận chuyển, tăng 3 vụ so với cả năm 2013.
Các vụ cướp gần đây thường diễn ra ở những khu vực có nhiều tàu chở dầu kích cỡ vừa, chuyên chở hàng hóa có giá trị và dễ tiêu thụ trên thị trường chợ đen, nhất là dầu lửa. Nơi thường xảy ra cướp biển thường là vùng biển quốc tế, ít có hoạt động của hải quân như các nước Indonesia, Malaysia và eo biển Malacca.
Hải quân Indonesia bắt giữ cướp biển |
Trong bối cảnh hoạt động vận chuyển đường biển toàn cầu đang chuyển dịch về châu Á, đặc biệt với vị trí trọng yếu của eo biển Malacca, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng cướp biển gia tăng ở Đông Nam Á sẽ là lý do để hải quân các nước tăng cường hiện diện ở khu vực này.
Eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. Với chiều dài gần 900km, Malacca là eo biển không thể tách rời với Biển Đông, tạo thành tuyến vận chuyển chiến lược có tầm quyết định sống còn đối với các nền kinh tế Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngay cả đối với Australia, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Mỹ, tuyến vận tải biển quốc tế này có thể được gọi là cung đường huyết mạch.
An ninh năng lượng và thương mại giữa các nền kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào an ninh hàng hải của tuyến đường qua eo biển Malacca và Biển Đông. Mỗi năm có khoảng 50.000 tàu thuyền đi qua eo biển này, 50% lượng dầu thô và 30% hàng hóa của thế giới được chuyên chở qua đây.
Eo biển Malacca chủ yếu do ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore kiểm soát, và cả nước này đều không đồng ý để các nước khác trực tiếp tham gia quản lý an ninh hàng hải nơi đây.
Chỉ đến năm 2005, Thái Lan mới được mời tham gia cuộc tuần tra trên không mang tên "Eyes in the Air".
Sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, Singapore tuyên bố có thể đồng ý cho Mỹ triển khai các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố ở eo biển này.
Tuy vậy cho đến nay, các nước không thuộc vùng duyên hải cũng chỉ có thể tham gia quản lý một cách gián tiếp eo biển Malacca thông qua hỗ trợ tài chính, công nghệ và phương tiện vận tải.
Đối với Trung Quốc, hiện 80% lượng dầu thô nhập vào nước này phải qua eo biển này. Có thể ví eo biển Malaca như yết hầu của Trung Quốc. Nếu một quốc gia lớn nào đó kiểm soát được eo biển Malacca, đồng nghĩa với việc “bóp cổ” được Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc từng đưa ra lập luận eo biển Malacca có tính quyết định với nền kinh tế của Trung Quốc nên Bắc Kinh phải được tham gia quản lý trực tiếp để tăng cường an ninh, nhưng điều này không được các quốc gia trong vùng đáp ứng.
Còn nhớ, với trường hợp của vịnh Aden, điểm nóng của cướp biển Somali cách đây vài năm. Vịnh Aden là tuyến hành lang nằm giữa Yemen và Somali dẫn vào kênh đào Suez, nơi diễn ra khoảng 20% hoạt động hàng hải của thế giới.
Nhiều năm trước, khi nạn cướp biển hoành hành ở khu vực này, rất nhiều nước đã triển khai tàu chiến hiện đại tới đây với các cớ trấn áp cướp biển, bảo vệ tàu thuyền nước mình. Khu vực này được xem là vùng biển có nhiều hoạt động của hải quân thế giới nhất. Hầu như các nước lớn trên thế giới đều có tàu chiến của mình thường trực ở đây, bao gồm cả Trung Quốc.
Hiện tại, hải quân quốc tế do Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu lãnh đạo có mặt thường xuyên tại vịnh Aden với sự thường trực của ít nhất 20 tàu chiến.
An Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét