(Quan hệ quốc tế) - Đây là giai đoạn quyết định đối với Moscow. Sự đối đầu giữa Nga-Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng hơn.
Bất chấp khó khăn, uy tín của ông Putin vẫn tăng vùn vụt
Ngày hôm nay - 18/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi của hơn 1200 nhà báo trong và ngoài nước. Cuộc họp báo thường niên lần thứ 10 của ông Putin là sự kiện trọng đại, là sự mong đợi của đại diện các phương tiện truyền thông quốc tế cũng như các độc giả, khán giả ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cuộc họp báo này diễn ra trong bối cảnh uy tín cá nhân của ông Putin đang tăng lên vùn vụt nhưng đất nước Nga đang lâm vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết bởi lệnh cấm vận của Mỹ và EU đối với Nga, khiến cho đồng Rúp mất giá trầm trọng, nền kinh tế Nga đang tuột dốc.
Ngày 16-12 vừa qua, Báo cáo nghiên cứu xã hội học của quỹ Công luận cho hay, Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa được người Nga bình chọn là “Nhân vật của năm” 2014 và đây là lần thứ 15 ông dẫn đầu bản danh sách này kể từ khi được biết tới trên chính trường Nga với cương vị Thủ tướng vào năm 1999.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến đối với 1.500 người tại 43 khu vực Liên bang Nga được tiến hành vào ngày 7 tháng 12, 68% ý kiến đã đặt ông Putin ở vị trí số một trong danh sách các chính khách và nhà hoạt động Nga hàng đầu. Chỉ số này tăng gấp hơn hai lần so với năm ngoái là 32%.
Những nhân vật tiếp theo có tên trong danh sách này có chỉ số tín nhiệm kém xa Tổng thống Nga, bao gồm: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (3% phiếu bầu), Thủ tướng Dmitry Medvedev (2% ý kiến ủng hộ), Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và lãnh đạo Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov cùng được 1% tín nhiệm.
Không chỉ ở nước Nga mà ngay cả ở các nước phương Tây, Tổng thống Nga cũng được sự ủng hộ của rất nhiều người.
Bất chấp những khó khăn của kinh tế Nga, uy tín của Tổng thống Putin vẫn tăng vùn vụt
|
Ngày 13-12 vừa qua, Hãng thông tấn Pháp AFP (Agence France-Presse) cũng đã bầu chọn ông Putin làm người đứng đầu danh sách những nhân vật nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong năm 2014. Tham gia lập bảng xếp hạng này có khoảng 380 nhà báo nổi tiếng nhất.
Xếp sau Tổng thống Nga Putin trong bản danh sách này còn có Đức Giáo Hoàng Francis; nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Pakistan và là người đoạt giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai; "các nữ sinh từ Chibok" - là nhóm nữ sinh đã bị các chiến binh của phong trào Hồi giáo vũ trang "Boko Haram" bắt cóc hồi tháng Tư tại Nigeria.
Trong bản danh sách này còn có sự hiện diện của một trong những thủ lĩnh của các cuộc biểu tình phản đối của phong trào “Chiếm giữ Trung tâm” tại Hồng Kông - Trung Quốc là Joshua Wong cùng với cha mẹ của phóng viên ảnh người Mỹ James Foley - nhà báo phương Tây đầu tiên bị chiến binh "Nhà nước Hồi giáo" hành hình.
AFP đã hai năm liên tiếp công bố danh sách những nhân vật nổi bật nhất thế giới trong năm. Năm 2013, dẫn đầu danh sách là cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, hiện đang tạm trú tại Nga. Ngoài ra trong tốp ba nhân vật tiêu biểu nhất của năm còn có tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani và nhà hoạt động nhân quyền Pakistan Malala Yousafzai.
Trước đó, ông Putin cũng được Tạp chí nổi tiếng của Mỹ là “The Time” bầu chọn là "Người đàn ông của năm", chiến thắng áp đảo ông chủ Nhà Trắng Obama, đồng thời được xếp thứ 6 trong bản danh sách "Nhân vật của năm", trong khi ông Obama còn không được xếp hạng trong Top 6.
Tổng thống Putin được sự vinh danh của cả các phương tiện truyền thông phương Tây
|
Trong danh sách đề cử lần cuối cho danh mục "Người đàn ông của năm" 2014 bao gồm cặp đôi quyền lực nhất của Nga-Mỹ là Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Barak Obama, nhà lãnh đạo Nga được 73% số người bình chọn trên website của Time, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ được 27% số phiếu bầu.
Trong tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn được Tạp chí nổi tiếng của Mỹ là Forbes 2 năm liên tiếp vinh danh là “Nhân vật quyền lực nhất thế giới”. Trong số 17 nhà lãnh đạo trên thế giới có tên trong bảng xếp hạng, ông Putin xếp được bầu chọn ở vị trí số 1, đánh bại nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama năm thứ 2 liên tiếp.
Theo lẽ thông thường khi nền kinh tế của một đất nước đi xuống thì đồng nghĩa với việc uy tín của người lãnh đạo của nước đó cũng giảm theo. Có lẽ khi tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay về kinh tế nhằm vào Nga, các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu cũng dựa vào quy luật nói trên.
Họ nghĩ rằng nếu gia tăng sức ép và gây tổn thất đối với nền kinh tế Nga, làm người dân Nga phải hứng chịu hậu quả ghê gớm thì chính những người dân ở xứ sở Bạch Dương sẽ phải gây sức ép trở lại với Tổng thống Putin. Đây là con đường mà phương Tây vạch ra để khuất phục Tổng thống Putin.
Nền kinh tế Nga đang thực sự chao đảo trước các đòn trừng phạt không nương tay của phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đồng rúp của Nga hiện đang ở mức sụt giảm lịch sử. Ngân hàng trung ương Nga phải tăng lãi suất lên gần 7% điểm trong ngày hôm qua để chống lại sự sụt giảm đến 20% của đồng tiền rúp trong hai ngày qua.
Tổng thống Nga còn tạo nên cơn sốt “thương hiệu Putin”
|
Tuy nhiên, giữa bối cảnh có những tin không thể xấu hơn với nền kinh tế Nga như vậy, Tổng thống Putin tiếp tục được người dân Nga bình chọn là “Người đàn ông của năm” lần thứ 15 liên tiếp, khiến phương Tây phải ngỡ ngàng, kinh ngạc và không khỏi có chút thán phục trước sức mạnh của Tổng thống Putin.
Người ta cho rằng, Tổng thống Putin có khả năng chống lại được mọi quy luật nhưng thực ra không phải như vậy. Mọi việc chỉ xuất phát ở một điều người dân Nga hiểu được ông Putin luôn hành động vì đất nước Nga, người dân Nga và vì thế họ đặt niềm tin và tình cảm ở nơi ông.
Putin: “Mỹ đừng hòng khuất phục Nga!”
Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga, quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU đã trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm của nó là sau khi cuộc nội chiến bùng nổ ở đông nam Ukraine. Washington và Brussels đã tiến hành nhiều đợt cấm vận đối với Moscow khiến kinh tế Nga lâm vào khó khăn cực độ, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu giảm kỷ lục và đồng Rúp cũng chịu hậu quả tương tự.
Hiện nay, đa phần các học giả Nga đều thống nhất nhận định là quan hệ giữa Nga và Mỹ đang bước vào giai đoạn “thù địch”, Mỹ đang làm mọi cách để thay đổi chế độ ở Nga, việc Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục trừng phạt đối với Liên bang Nga khiến quan hệ giữa 2 nước đã quay về định dạng “Chiến tranh lạnh 2” kiểu như Mỹ và Liên Xô trước đây là điều rõ ràng.
Giáo sư Vladimir Batiuk thuộc bộ môn Chính Trị Thế Giới của Viện kinh tế đối ngoại Nga cho rằng, nghị quyết này sẽ đóng một vai trò quan trọng tương tự như “Nghị quyết giải phóng các dân tộc bị phụ thuộc cộng sản”, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1959. Theo ông Batiuk, nghị quyết này nhằm mục đích chính là làm cho Nga sụp đổ giống Liên bang Xô viết trước đây.
Thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là một trọng tâm phát triển kinh tế Nga trong tương lai
|
Trong quá khứ, Mỹ đã từng phá giá đồng USD để giảm giá trị xuất khẩu nguyên liệu, giảm thực thu của nền kinh tế Liên Xô. Ngoài ra, Washington còn bắt tay với Riyadh bán phá giá dầu để làm mất thăng bằng cán cân xuất-nhập khẩu dẫn tới thâm hụt ngân sách trầm trọng. Mỹ hiện cũng đang áp dụng ngón đòn chết người này để làm sụp đổ nền kinh tế Nga.
Cú đòn về kinh tế là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Liên Xô khủng hoảng trầm trọng, đẩy nhanh tình trạng “tự diễn biến”, dẫn đến sự sụp đổ của đầu tàu Xã hội Chủ nghĩa trước kia chứ không phải là hiệu quả của những biện pháp quân sự. Đây là bài học xương máu để Nga tự nhìn nhận lại mình và khắc phục những điểm yếu cố hữu.
Tuy nhiên, nước Nga hiện nay không phải là Liên Xô trước đây - đầu máy kéo theo cả toa tàu các nước Xã hội Chủ nghĩa, bị cô lập hoàn toàn, không có khả năng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Moscow hiện có nhiều mối quan hệ, nhiều mối liên kết để thoát khỏi tình trạng khó khăn này.
Hiện vấn đề quan trọng nhất là kinh tế Nga đang bước vào thời kỳ suy thoái do lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể cầm cự được với sự hỗ trợ của các nước BRICS và Liên minh kinh tế Á-Âu, thậm chí là cả trong G-20 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... Đó là điều mà Liên Xô trước đây không thể có được.
Bắt đầu từ sự chuyển hướng kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Liên minh châu Âu, chú trọng vào châu Á-Thái Bình Dương, Nga sẽ xây dựng những mối quan hệ kinh tế-chính trị đa dạng và bền vững để tránh những rủi ro về chính trị gây ra những ảnh hưởng về kinh tế như hiện nay.
Ngoài ra, sự chuyển hướng chiến lược trong cơ cấu nền kinh tế của Nga cũng sẽ giúp Moscow có sự phát triển bằng nội lực bền vững, không phụ thuộc vào một đối tác nào, thoát sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu, đẩy mạnh khả năng sản xuất hàng hóa nội địa.
Trong vòng vây của Mỹ và NATO, ông chủ điện Kremlin vẫn giữ vững lập trường cứng rắn do có sự ủng hộ của nhân dân Nga
|
Nếu Nga trụ vững trước vòng vây của Mỹ và EU, mở rộng các liên minh kinh tế, tăng cường quan hệ với các quốc gia ngoài châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa nội địa thì Washington và Brusselssẽ không làm gì nổi Nga.
Vì vậy, có thể nói đây là ván bài cuối cùng tất tay của Washington. Mỹ đã không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga và sẽ làm tất cả để nước Nga sụp đổ. Trong khi đó, Moscow cũng không còn con đường nào khác, không được phép thất bại!
Đây là giai đoạn quyết định đối với Moscow. Dự kiến trong thời gian tới, sự đối đầu giữa Nga và Mỹ không những không suy giảm mà sẽ tiếp tục căng thẳng hơn, Washington sẽ làm tất cả để hạ gục Moscow trong ván cờ quyết định này. Hiện Nga đang gặp khó khăn và liệu ông Putin có khả năng xoay chuyển tình thế?
Trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với phương Tây, Tổng thống Putin được tiếp thêm sức mạnh bởi sự ủng hộ, đoàn kết của người dân Nga. Có thể nói, đây chính là cội nguồn sức mạnh to lớn để ông chủ điện Kremlin bất chấp áp lực dồn vây tứ phía, kiên quyết giữ vững lập trường của mình.
Mặc dù người dân Nga đặt trọn lòng tin vào vị Tổng thống của mình nhưng không thể phủ nhận là nền kinh tế Nga đang tụt dốc không phanh. Có thể nói là Liên bang Nga đang ở trong tình trạng nguy ngập không khác gì Liên bang Xô viết trước đây.
Câu nói nổi tiếng của Tổng thống Putin là: “Mỹ đừng hòng khuất phục Nga!” sẽ chỉ đúng và được lịch sử ghi nhận nếu ông lèo lái con thuyền nước Nga thoát khỏi “bão táp phương Tây” tàn khốc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét