Trong một bài bình luận nổi tiếng có tiêu đề “The Sources of Soviet Conduct” được xuất bản năm 1947, George F. Kennan, một nhà ngoại giao, cố vấn, khoa học chính trị và lịch sử Mỹ lập luận rằng sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ là hầu như không thể lay chuyển, nó bắt nguồn không chỉ từ một cuộc xung đột cổ điển về lợi ích giữa các cường quốc, mà còn từ chủ nghĩa quốc gia sâu thẳm và sự bất an.
Theo ông Shlomo Ben-Ami, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israeli và hiện là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa Bình Toledo, cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và phương Tây cũng có thể nhận định tương tự như vậy: Xét về nguồn gốc, đó là một vụ xung đột giữa các giá trị được cho là phổ quát của phương Tây và sự đấu tranh của Nga cho một bản sắc riêng biệt.
Cuộc đấu tranh của một quốc gia vì bản sắc có thể định hình hành vi chiến lược của họ. Các đặc tính truyền giáo về nền văn minh của Mỹ giúp giải thích hành vi của Washington như là một cường quốc toàn cầu. Sự hồi sinh của chủ nghĩa Hồi giáo về cơ bản là một cuộc tìm kiếm bản sắc được hoàn thành bởi một nền văn minh cổ đại nhưng đang bị choáng ngợp bởi những thách thức của thời hiện đại. Và sự nhấn mạnh của Israel về bản sắc Do Thái của họ đã trở thành một trở ngại rất lớn đối với nền hòa bình của người Palestine.
Chính sách đối ngoại quyết đoán của Tổng thống Putin có lẽ là một sự phản ứng với sự pha trộn của rất nhiều yếu tố, từ những giáo lý chính thống Kitô giáo, niềm tự hào về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Nga tới sự trỗi dậy của một cường quốc. Như ông Putin tuyên bố vào năm ngoái, sự sụp đổ của Liên Xô đã giáng một "đòn nặng nề" đến “các hành vi văn hóa và tinh thần” của Nga và "những nỗ lực nhằm khai hóa Nga từ bên ngoài" tiếp sau đó đồng nghĩa với "sự vay mượn từ nguyên thủy”. Thay vì trông đợi vào sự xuất hiện của một hệ tư tưởng quốc gia mới, Nga cần phải theo đuổi và phát triển một nền văn hóa mang tính bản sắc độc đáo riêng của mình.
Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin Vyacheslav Volodin cho biết trong một cuộc họp Câu lạc bộ Thảo luận Valdai gần đây ở Sochi rằng "Putin là Nga và Nga là Putin", ông này đã bày tỏ một thực tế sâu sắc của người Nga. Không một quốc gia nào khác có tính cách của nhà lãnh đạo - từ Catherine Đại đế và Ivan Bạo chúa đến Stalin - sâu sắc như vậy về lịch sử dân tộc.
Đảm bảo một vị thế của Nga trong một trật tự thế giới mới là điều không thể thiếu để thiết lập một bản sắc như vậy. Để làm được điều này, ông Putin đã tối đa hóa giá trị chính sách đối ngoại về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của Nga, cho phép Điện Kremlin xây dựng quan hệ đối tác với các cường quốc châu Á mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Nói rộng hơn, sự thách thức của ông Putin đối với quyền bá chủ của Mỹ có thể thu hút sự ủng hộ từ các nước và các dân tộc trên toàn thế giới vốn phẫn nộ với những giá trị và chuẩn mực mà Mỹ áp đặt. Thật vậy, ví dụ, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, quan niệm của phương Tây về việc chấp nhận "lối sống phi truyền thống", chẳng hạn như đồng tính luyến ái - theo lời của ông Putin - là một sỉ nhục đối với một thế giới với “sự đa dạng được Chúa ban cho”.
Tất nhiên, phương Tây - đặc biệt là Mỹ - phải chịu một phần trách nhiệm về sự thất bại trong việc một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu gần đây với Nga, đặc biệt liên quan đến vấn đề Ukraine. Trước khi một nền hòa bình lâu dài có thể đạt được, Mỹ sẽ cần phải suy nghĩ về những sai lầm của mình, được đặc trưng bởi quyền bá chủ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi cuộc phiêu lưu quân sự đơn phương và những tham vọng của họ gây ra sự căng thẳng và các cuộc chiến tranh triền miên.
Nếu không tự xem xét lại chính mình, Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga. Nhưng, mặc dù phương pháp này có thể làm suy yếu tính hợp pháp của Tổng thống Putin bằng cách hạn chế khả năng của ông trong việc tạo ra sự sự thịnh vượng về kinh tế, nó cũng có thể dẫn đến một phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa dân tộc chống phương Tây. Hơn nữa, như Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã nói, các biện pháp trừng phạt có thể được xem như là một điều tốt, giúp Điện Kremlin buộc phải đa dạng hóa nền kinh tế Nga.
Bản sắc dân tộc là không thể được đưa ra đàm phán với bên ngoài; nhưng ngoại giao có thể làm hạn chế những biểu hiện mạnh mẽ của nó. Đã đến lúc để các nhà lãnh đạo Nga và phương Tây đưa ra một sự thỏa hiệp cho hòa bình ở miền đông Ukraine, một thỏa thuận mà có thể vượt ra ngoài Nghị định thư Minsk để giải quyết các câu hỏi về vấn đề an ninh toàn cầu và kiểm soát vũ khí hay các vấn đề như cuộc nội chiến Syria và chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Ben-Ami cho rằng Nga không cần phải lo lắng về trật tự thế giới đang tồn tại, đơn giản là chỉ cần xác định vị trí của mình trong trật tự ấy. Và Mỹ phải để cho Nga thực hiện điều này.
Công Thuận (Theo P.S)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét