Khởi động xây dựng “con đường tới phương Đông”
Ngày 1-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự buổi lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đầu tiên của Nga sang châu Á mang tên "Sức mạnh của Siberia", cung cấp khí đốt cho vùng Viễn Đông của Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Buổi lễ khởi công xây dựng có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. Đối với cả hai quốc gia, dự án khí đốt này một ưu tiên quan trọng trong chính sách “ngoại giao năng lượng”, trong bối cảnh Trung Quốc đang “khát”, còn Nga đang có trục trặc với châu Âu và Ukraine về vấn đề năng lượng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Putin cho rằng: "Tuyến đường ống này sẽ không chỉ tăng cường xuất khẩu và mở rộng phạm vi địa lý cho hàng xuất khẩu nhiên liệu năng lượng của chúng ta, mà còn là một bước tiến quan trọng trong quá trình ‘khí hóa’ đất nước, đặc biệt là đối với khu vực phía Đông nước Nga".
Hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, đây là "dự án lớn nhất trên thế giới", tuyến đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" sẽ góp phần to lớn trong tăng cường an ninh năng lượng của Liên bang Nga và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu.
Trước đây, Nga đã xây dựng kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường năng lượng châu Á. Sau "Đông Siberia - Thái Bình Dương" (ESPO), "Sức mạnh Siberia" là tuyến đường ống năng lượng thứ hai được xây dựng hướng về phía Đông, được mệnh danh là “đường tới phương Đông”.
Theo tuyến đường ống dẫn dầu "Đông Siberia - Thái Bình Dương" (ESPO), trong nhiều năm nay Nga đã xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, cũng như bán năng lượng cho Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác bằng các tàu chở dầu.
Tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” có ý nghĩa đặc biệt quan trong với Nga và Trung Quốc (Ảnh minh họa)
|
Ông Alexei Turbin cho biết, ngay từ khi bắt tay xây dựng đường ống đầu tiên theo hướng đông là ESPO, Moscow đã hoạch định rằng sẽ chú trọng xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Tỷ trọng các nguồn năng lượng của Nga với sự khai trương đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" tại thị trường châu Á có thể lên đến 1/3.
Ngày nay, không chỉ các nước này có nhu cầu lớn về khí đốt của Nga, mà còn có Hàn Quốc và Indonesia. Qua đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia", dự trữ tài nguyên năng lượng của họ có thể bảo đảm được nhu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh Nga dự định phát triển các mỏ khí mới”.
Hiện nay, các đối tác châu Á đánh giá cao việc Nga chưa bao giờ sử dụng và sẽ không sử dụng năng lượng như một áp lực chính trị. Vì vậy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan và các nước khác rất quan tâm trong việc mở rộng khối lượng xuất khẩu, kể cả khí nén lỏng LNG từ các nhà máy hiện có và trong tương lai ở Sakhalin, Vladivostok và trên bán đảo Yamal.
Cuối tháng 5 vừa qua, trong chuyến công du đến Thượng Hải của Tổng thống Putin, Nga và Trung Quốc đã ký kết một hợp đồng khí đốt lịch sử, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia nhận định, thỏa thuận khí đốt này đã khiến EU mất công cụ gây áp lực với Nga, đồng thời mở ra một thị trường lớn cho Nga.
Để thực hiện hợp đồng, Nga sẽ đầu tư 55 tỷ USD cho việc thực hiện hợp đồng trong khi Trung Quốc sẽ đầu tư 22 tỷ USD. Do đó, tuyến đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" đã được khởi công, nối từ tây Siberia đến cảng Thái Bình Dương Vladivostok, vào phía đông bắc của Trung Quốc, với chi phí đầu tư cơ bản 22 tỷ USD.
Sơ đồ tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” chạy từ Nga sang Trung Quốc
|
"Sức mạnh Siberia ": Lá bài chính trị - kinh tế quan trọng của Nga
Theo Giám đốc điều hành Gazprom Aleksei Miller thì tổng giá trị hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc lên tới 400 tỷ USD. Theo ước tính, Trung Quốc sẽ phải trả cho Nga 350 USD cho mỗi mét khối khí đốt. Moscow sẽ cung cấp cho Bắc Kinh 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, trong vòng 30 năm tới.
Theo tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia", hàng năm Trung Quốc sẽ nhận được 38 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Dự án có những triển vọng tốt đẹp cho việc tăng khối lượng xuất khẩu và sẽ cho phép Nga bán sang Trung Quốc đến 60 tỷ mét khối khí đốt.
Khối lượng khí đốt trên tương đương khoảng 1/4 mức tiêu thụ hiện nay của Trung Quốc và đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của nước này vào năm 2020. Ngoài Gazprom, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng ký hợp đồng trị giá 270 tỷ USD với hãng dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để mua dầu thô
Sau lễ ký kết thỏa thuận xuất khẩu khí đốt, một số chuyên gia Trung Quốc đưa ra nhận định, xét từ góc độ bản thân hợp đồng, giá mua của phía Trung Quốc cao hơn định giá phía Nga đưa ra, bởi vì chi phí khai thác và vận chuyển khí đốt của Nga luôn cao hơn mức trung bình thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trung lập, Trung Quốc đã được lợi giá khá lớn ở hợp đồng này. Mức giá 350 USD/1.000 mét khối khí đốt, thấp hơn mức giá 380 USD/1.000 mét khối mà Nga vẫn thường áp dụng đối với khách hàng châu Âu, thấp hơn rất nhiều so với mức 480USD Nga áp đặt cho Ukraine.
Theo tạp chí Economist, Trung Quốc sẽ là khách hàng triển vọng nhất của Nga, với mức tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt dự kiến sẽ tăng gần 90% trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, với mức giá trên, cái được của Nga không nằm đơn thuần nằm ở giá trị giao dịch thương mại với Bắc Kinh.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình uống mừng thỏa thuận khí đốt mới đạt được tháng 6 vừa qua
|
Ông Konstantin Simonov - Tổng giám đốc Quỹ an ninh năng lượng quốc gia cho biết, đối với Nga, đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc là dự án thiết thực liên quan đến mối quan hệ phức tạp với châu Âu vì các sự kiện ở Ukraine. Đây thực sự là một dự án địa chính trị rất quan trọng.
“Chúng tôi không bán khí đốt cho Trung Quốc từ các mỏ mà chúng tôi sử dụng để xuất khẩu sang châu Âu. Đây là khí đốt mới, được khai thác từ các mỏ mới và vận chuyển trên tuyến đường ống mới, từ đó sẽ mở rộng quy mô khai thác năng lượng của Nga.
Theo chuyên gia an ninh năng lượng Alexei Turbin, dự án này bao hàm cả yếu tố năng lượng và chính trị. Tuyến đường ống này sẽ cung cấp khí đốt cho vùng Viễn Đông của Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc, mở đường cho những kế hoạch to lớn của Nga ở châu Á.
Theo ông, việc mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc và các nước châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khiến Nga không phụ thuộc vào một hướng duy nhất với phương Tây, nên không thể bị ràng buộc hoặc chịu sức ép lợi ích của bất kỳ nhóm quốc gia nào.
Đối với Liên minh châu Âu, EU là những kẻ luôn luôn bị ám ảnh bởi ảo tưởng về tầm quan trọng của mình và đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt để hạn chế tiềm năng năng lượng của Nga. Xây dựng tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia" là một yếu tố chính trị đặc biệt quan trọng của Nga trong tương lai.
Do đó, "Sức mạnh Siberia" có tầm quan trọng đặc biệt và là ưu tiên số một trong chính sách ngoại giao năng lượng của cả Nga và Trung Quốc, đồng thời nó còn là là biểu tượng của sự “xoay trục toàn diện” của Nga về phía Đông, trong bối cảnh Moscow đang bị Brussels và Washington bao vây, cấm vận.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét