Năm 1945, "đốc tờ" Thạch là thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Nam bộ. Ông là người anh đáng kính của cả một thế hệ trẻ hăng say trong không khí cách mạng tiến lên giành chính quyền.
Ông sinh ngày 7.5.1909 tại Quy Nhơn. Cha ông là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, mẹ thuộc dòng hoàng tộc Huế. Phạm Ngọc Thạch thông minh, học giỏi. Ông đậu bác sĩ tại Pháp năm 1934, lấy vợ "đầm". Về nước, ông mở phòng khám tư, rất đông khách. Thu nhập của ông cao hơn bất cứ ông đốc phủ sứ nào thời đó. Ông có thừa các điều kiện để vinh thân trong vòng tay của "nước mẹ Đại Pháp".
Sau ngày 9.3.1945, Nhật bất ngờ yêu cầu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra tập hợp thanh niên trong một tổ chức tương tự như Thanh niên Tiền tuyến của luật sư Phan Anh ở Huế. Tướng Nhật Ida không hề biết rằng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là cộng sản chính gốc đã hoạt động trí vận (vận động trí thức) tại Sài Gòn từ năm 1943. Được sự đồng ý của tổ chức Đảng tại Sài Gòn là Xứ ủy Nam Kỳ do Trần Văn Giàu phụ trách, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nhận nhiệm vụ “tương kế tựu kế” nguy hiểm đó. Ngay sau đó, Thanh niên Tiền phong được thành lập ở Sài Gòn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là thủ lĩnh. Bên cạnh Phạm Ngọc Thạch khi đó còn có: Giáo sư Lê Văn Huấn, kỹ sư Kha Vạn Cân, luật sư Thái Văn Lung, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhóm sinh viên Huỳnh - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước)... Chỉ trong sáu tháng, số lượng Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn đã lên tới 8 vạn. Đây là lực lượng xung kích của cách mạng được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, luôn đi đầu trong các hoạt động đấu tranh ở Sài Gòn.
Lớp trẻ sục sôi trong không khí cách mạng - Ảnh: Tư liệu |
Thanh niên Tiền phong với trang phục quần soọc xanh hoặc màu sẫm, áo sơ mi trắng, dép cao su quai chéo, mũ rộng vành, huy hiệu có hình mũi tên thẳng đứng. Trang bị thô sơ, chỉ có tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng. Kiểu chào là co bàn tay trái ngang ngực, xòe ba ngón tay tượng trưng cho ba lời thề (Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, giữ gìn phẩm chất cao đẹp). Khẩu lệnh là hô “Thanh niên!” và đáp “Tiến!”. Cơ quan ngôn luận là báo Tiến! ra hằng ngày. Trụ sở báo ở số nhà 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ nay). Thanh niên Tiền phong có các ban chuyên môn: Ban Tuyên truyền cổ động, Ban Hoạt động xã hội, Ban Phát thanh, Ban Huấn luyện quân sự, Ban Văn nghệ... Thanh niên Tiền phong hoạt động sôi nổi, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, dạy chữ cho nhân dân, quyên góp cứu đói đồng bào các tỉnh miền Bắc, miền Trung, lấy súng của Nhật, của Pháp trang bị cho mình và huấn luyện quân sự... Hai cuộc biểu dương lực lượng lớn của Thanh niên Tiền phong tại vườn Ông Thượng (nay là Công viên văn hóa Tao Đàn) đã gây tiếng vang rộng rãi. Cuộc Tuyên thệ lần thứ nhất diễn ra ngày 15.7.1945. Sau lời tuyên thệ, thanh niên cùng nhau hát Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên. Lần Tuyên thệ thứ hai vào ngày 18.8.1945 với lời kêu gọi: “Thời cơ giành độc lập đã đến! Thanh niên hãy siết chặt hàng ngũ, sẵn sàng chiến đấu”.
Đêm 20.8.1945, Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Sáng 21.8, sau khi được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, tại Chợ Đệm, hội nghị Xứ ủy mở rộng họp và giao cho Tỉnh ủy Tân An nhiệm vụ khởi nghĩa "thử", chiếm tỉnh lỵ và giữ hai cầu huyết mạch Bến Lức và Tân An. Đêm 22.8.1945, cuộc khởi nghĩa ở Tân An giành thắng lợi. Tin giành chính quyền ở Tân An thành công truyền đi nhanh chóng. Trong lúc quần chúng nhân dân tràn ngập thị xã Tân An để tham gia mít tinh hoan hô cuộc khởi nghĩa cách mạng thành công thì đoàn đại biểu Tỉnh ủy lên Chợ Đệm báo cáo kết quả khởi nghĩa thắng lợi với Xứ ủy. Hội nghị Xứ ủy kết luận: "Không còn lý do nào nữa để không bấm nút cho cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Sài Gòn mà thành công là cầm chắc. Có chậm mà không trễ lắm!". Hội nghị quyết định: Tối 24.8 bắt đầu khởi nghĩa ở Sài Gòn. Một Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ được nhất trí đề cử. Ngay trong đêm 24.8, đông đảo quần chúng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tân Bình, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Thủ Dầu Một đã vùng lên khởi nghĩa. Ở Sài Gòn, lực lượng khởi nghĩa chiếm các công sở quan trọng: dinh Khâm sai, dinh Đốc lý, Sở cảnh sát, Đài phát thanh, Bưu điện, các quận... Các cây cầu quan trọng: Thị Nghè, Mac Mahon (nay là cầu Công Lý), cầu Tân Thuận, cầu Chữ Y, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường cũng được quân khởi nghĩa chốt giữ. Cũng trong đêm 24.8, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dựng ở ngã tư đại lộ Bonard (Lê Lợi) - Charner (Nguyễn Huệ) một cái đài cao màu đỏ, ghi tên 9 người của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ. Lá cờ đỏ búa liềm treo đầu tiên trước nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Trong đêm 24.8, nhân dân Gia Định, Chợ Lớn và một số nơi phụ cận đã tập hợp thành đoàn lớn, với cờ băng khẩu hiệu và vũ khí thô sơ trong tay: mác, kiếm, mũi chĩa... kéo vào thành phố, hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa trong nội thành.
Sáng 25.8, nhân dân tề tựu trên đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), từ phủ Toàn quyền (nay là dinh Thống Nhất) tới Sở thú (nay là Thảo cầm viên), từ sau nhà thờ lớn (nhà thờ Đức Bà) đến bót Giếng nước (nay là Đại học Quốc gia thành phố nằm cạnh Công viên Hồ con Rùa). Ở trung tâm, lễ đài màu đỏ đã được dựng xong từ đêm qua. Vô số khẩu hiệu cách mạng, nhiều nhất vẫn là hai câu: "Việt Nam độc lập muôn năm", "Tất cả chính quyền về Việt Minh". Cờ đỏ sao vàng ngập tràn các đường phố, phấp phới bay trên các công sở.
Trong đội ngũ hừng hực khí thế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người anh đáng kính và thân yêu của cả một thế hệ trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn hăng say trong không khí cách mạng của đông đảo nhân dân vùng lên thay đổi vận mệnh dân tộc.
Ngô Vương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét