CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa qua thư tịch và bản đồ cổ phương Tây

Trong tham luận tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” được tổ chức tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, đã tóm lược những nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được ghi nhận, phản ánh trong những thư tịch và bản đồ cổ của phương Tây trong các thế kỷ XVI-XIX. Báo Quân đội nhân dân trích đăng nội dung tham luận này.
Kỳ 1: Chính quyền chúa Nguyễn đã thực sự làm chủ vùng biển, đảo Hoàng Sa


Đầu thế kỷ XVI, các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên đi đến vùng biển Đông Nam Á, ngược lên phía Bắc để đến các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên ở Đông Bắc Á. Khi đi qua Biển Đông, họ đã đặt chân lên các vương quốc Chân Lạp, Chăm-pa, Đại Việt nằm ở phía Tây vùng biển này, đồng thời cũng đối mặt với những hiểm nguy đến từ các bãi đá ngầm, đảo và quần đảo trên Biển Đông. Họ chính là những người châu Âu đầu tiên khảo sát, ghi chép và vẽ bản đồ về lãnh thổ của các vương quốc ở ven bờ Biển Đông cũng như những hải đảo nằm ngoài khơi các vương quốc này. Chính người Bồ Đào Nha đã đặt tên Pracel (hay Parcel) cho chuỗi đảo nằm ở ngoài khơi các vương quốc: Chân Lạp, Chăm-pa, Đại Việt (chủ yếu là phần lãnh thổ Đàng Trong), sau này được sáp nhập với nhau thành một vương quốc mà người phương Tây thường gọi là Cochinchina hay Annam(1). Họ cũng là những người đã đặt tên cho quần đảo lớn nhất nằm ở cực Bắc Pracel là I.des baixos Cachina(2) hay I.da Pracell(3), chính là quần đảo mà người Việt Nam đương thời gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa.
Học giả Nguyễn Nhã bên bức An Nam đại quốc họa đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: YÊN BA
Tiếp sau các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha là các nhà quân sự, giáo sĩ, thương nhân... của nhiều nước châu Âu khác như: Hà Lan, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha,... đã tìm đến nơi này với mục đích tìm kiếm thị trường, giao thương, truyền giáo và sau cùng là biến những nơi này thành thuộc địa của các nước trên. Sự xâm nhập, khám phá và tìm hiểu lịch sử, địa dư... các vương quốc ở ven Biển Đông, cũng như các vùng biển, đảo thuộc các vương quốc này đã được ghi nhận trong nhiều thư tịch cổ của phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Trong bài khảo cứu Les marchands européens en Cochinchine et au Tonkin (1660-1695) của Ch.B.Maybon, in trên Revue Indochinoise năm 1916, có ghi chép sự kiện Trưởng thương điếm Hà Lan ở Hội An là Duijcker khiếu nại với chúa Nguyễn Phúc Lan về việc tàu buôn Grootebroek bị đắm ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 21-7-1634, được người Việt cứu hộ nhưng lại tịch thu tiền bạc của họ. Nội dung như sau: "Duijcker đã chuyển đến chúa (Nguyễn Phúc Lan) một điều khiếu nại. Đó là việc chiếc tàu mang tên Grootebroek đã bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thủy thủ đã được người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số món tiền là 22.580 réaux, vậy nên Trưởng thương điếm Duijcker có nhiệm vụ xin được bồi hoàn món tiền đó. Ông ta được trả lời rằng, những việc đó đã xảy ra từ thời chúa trước (Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hóa đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, nếu sau này có tàu Hà Lan mà bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hóa được cứu hộ nữa".
Các tài liệu về vụ đắm tàu buôn Grootebroek và việc tịch thu tiền bạc và hàng hóa trên con tàu này đã xác nhận vai trò của chính quyền Đàng Trong trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài diễn ra trong hải phận Đàng Trong. Chính quyền Đàng Trong đã cử người cứu hộ tàu ngoài bị nạn tại vùng biển Hoàng Sa, đồng thời đã tịch thu tài sản của tàu buôn nước ngoài. Tàu buôn nước ngoài buộc phải chấp hành, sau đó đã khiếu kiện quyết định sai trái này và được chính quyền Đàng Trong hứa sẽ bồi thường thỏa đáng bằng các hình thức đền bù khác. Điều này chứng tỏ từ đầu thế kỷ XVII, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã làm chủ vùng biển, đảo Hoàng Sa và hoàn toàn kiểm soát các hoạt động diễn ra trong vùng biển, đảo này.
Thông tin từ những bức thư của các giáo sĩ người Pháp có liên quan đến các vụ đắm tàu Hà Lan ở Hoàng Sa tháng 10-1714 đang lưu trữ tại Hội Truyền giáo đối ngoại ở Pa-ri (Pháp) còn cho thấy, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tận tình giúp đỡ những thuyền viên của các tàu buôn nước ngoài gặp nạn trong vùng biển Hoàng Sa. Không chỉ cấp phát tiền bạc, lương thực, nước uống, chúa Nguyễn còn tìm cách đưa họ trở về bản doanh của thương nhân Hà Lan ở Batavia. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của một quốc gia đối với tàu, thuyền nước ngoài bị nạn trong vùng biển do quốc gia đó quản lý theo thông lệ quốc tế. Điều này cũng có nghĩa là vào thế kỷ XVIII, chính quyền chúa Nguyễn đã thực sự làm chủ vùng biển, đảo Hoàng Sa và thực thi các trách nhiệm của một quốc gia đối với chủ quyền biển, đảo của mình.
Trong cuốn hồi ký Description de la Cochinchine kể lại cuộc tiếp xúc với chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Phú Xuân (Huế) vào năm 1750, Pierre Poivre, giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp viết: "Tôi từng nghe nói rằng hằng năm, nhà vua (chúa Nguyễn Phúc Khoát) cử nhiều tàu, thuyền đến Paracels để kiếm tìm những sản vật tự nhiên hiếm lạ. Tôi ngờ rằng, những thuật ngữ này để dùng chỉ một số những vành san hô đen, những ốc biển và một ít mảnh trai xà cừ mà tôi đã được nhà vua cho ngắm nhìn". Trong nhật ký Journal được công bố trên tạp chí Revue de l'Extrême Orient III xuất bản ở Pa-ri năm 1885, sau khi miêu tả diện mạo đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với những vũ khí bố trí ở đại sảnh đường của trong phủ chúa, Pierre Poivre viết: "Người ta còn thấy ở đây những hộp nhỏ đựng vũ khí của vua Chân Lạp do người Bồ Đào Nha đúc, cũng như những khẩu thần công bằng sắt cỡ đạn 6 livres, những khẩu súng này thu lượm được ở Paracels trong số các di vật của các tàu từ Trung Hoa đi qua bị đắm...".
Những ghi chép của Pierre Poivre có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cho thấy, vào thời kỳ đó, các chúa Nguyễn đã thường xuyên cử thuyền ra Hoàng Sa khai thác hải sản quý hiếm, thu nhặt những di vật từ các tàu đắm nơi đây và thực hiện việc tuần phòng, kiểm soát vùng biển, đảo này thông qua các lực lượng do chính quyền chúa Nguyễn tổ chức. Những ghi chép này cũng phù hợp với những thông tin về hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn được ghi chép trong các thư tịch Việt Nam đương thời.
Bên cạnh đó, người ta còn có thể tìm thấy bằng chứng khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thư tịch cổ bằng tiếng Pháp khác như: Sách địa lý Géographie mathématique, physique et politique của Edme Mettelle và Malte-Brun, tập XII, xuất bản tại Pa-ri năm 1804; hồi ký Le mémoire sus la Cochinchine của Jean-Baptiste Chaigneau, cố vấn của vua Gia Long viết vào khoảng năm 1820; từ điển địa lý Dictionnaire géographique universel, contenant la description de tous les lieux du globe của A.J.Kinlian và Picquet, tập I, xuất bản tại Pa-ri năm 1823; sách địa lý Géographie universelle ou description générala de la terre xuất bản tại Brúc-xen năm 1839; hồi ký Voyage pittoresque en Asie et en Afrique của J.B. Eyriès, xuất bản tại Pa-ri năm 1841…

Tiến sĩ TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét