Câu chuyện sự thật mộ Trạng Trình nằm tại đâu, đòi hỏi phải kết hợp giữa khoa học thực tế, tham khảo thêm truyền thuyết dân gian.
Kỳ 3 (kỳ cuối): Những tranh cãi xung quanh việc tìm mộ Trạng Trình
Sau những chuyến đi thu thập tài liệu liên quan đến việc tìm mộ phần của Trạng Trình, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) được biết, con cháu của dòng họ Nguyễn ở Trung Am về sau đã tản mát khắp các tỉnh miền Bắc. Vào thời Hậu Lê, người con cả của Trạng là Hàn Giang cư sĩ đã đưa cả gia quyến vào sinh sống ở vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện tại vẫn còn những dòng dõi đời sau thờ phụng.
Với mong muốn tìm lại gia phả gốc, và hy vọng có những tài liệu, ghi chép cụ thể về địa điểm chôn cất Trạng Trình, ông Lợi lập đoàn tìm kiếm và đến đất Hoa Lư. Tuy nhiên, kết quả tìm được chỉ là một bản gia phả của dòng họ được ghi bằng chữ quốc ngữ, kèm theo một ít sách cổ về thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm vẫn còn lưu giữ.
Khi nhà sử học Ngô Đăng Lợi phát hiện gia phả đó là bản quốc ngữ mà ông đã từng sưu tầm được trong những chuyến đi ở Vĩnh Bảo, ông ngỏ ý muốn tìm bản gốc chữ Hán để đối chiếu, thì những con cháu đời sau của Hàn Giang cư sĩ đều lắc đầu bảo không có.
Về sau, có một cụ già râu tóc bạc phơ của dòng họ mới nhớ ra là từ đời ông của cụ, có mấy người anh em trong dòng họ lại chia làm 2 hướng, một sang đất Gia Viễn (Ninh Bình), một lên đất Thanh Ba (Phú Thọ) sinh sống, rất có thể bản gốc đã được họ mang theo.
Những tài liệu cổ về Trạng Trình mà nhà sử học Ngô Đăng Lợi tìm thấy. |
Thêm mấy chuyến đi vất vả nữa, nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã sưu tầm thêm rất nhiều tài liệu, kể cả bản gia phả chữ Hán. Nhưng tất cả những tài liệu ấy chỉ là những ghi chép về thân thế, sự nghiệp, cũng như các tác phẩm thơ Hán, Nôm của Trạng Trình, tuyệt không có bất cứ một bản thảo nào nói về việc chôn cất cũng như chỉ dẫn địa điểm của mộ Trạng.
Không còn cách nào khác, ông Lợi cùng đoàn tìm kiếm chỉ còn biết căn cứ theo những tài liệu ít ỏi có được, cũng như là theo một số câu chuyện truyền miệng trong dân gian.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, cảnh vật nhiều chỗ đã thay đổi hoặc bào mòn theo thời gian. Với lại những địa danh chôn cất Trạng Trình được lưu truyền, chưa ai có thể xác minh được chính xác độ chân thực của nó. Cho nên suốt mấy năm trời ròng rã khảo sát ở mảnh đất Vĩnh Bảo, nhà sử học Ngô Đăng Lợi vẫn chưa có được những kết quả như mong muốn.
Một số lần, đoàn tìm kiếm có tiến hành mời một số nhà ngoại cảm về phối hợp, tất cả đều khẳng định rằng mộ của Trạng được chôn cất tại quê nhà Vĩnh Bảo. Người chỉ chỗ này, người chỉ chỗ khác, phần lớn những ý kiến của họ đều có những điểm tương đồng với những huyền tích về cuộc đời của Trạng Trình, nhưng không một ai có thể tìm thấy.
Giữa năm 2012, dư luận lại xôn xao về việc Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm được phần mộ Trạng tại khu vực cánh đồng Mả Lẻ (thôn Tiền Am, Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) gửi đơn đề nghị UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, trình bày: Sau nhiều năm tìm kiếm với sự giúp đỡ của một số nhà ngoại cảm, con cháu trong dòng họ đã tìm và xác định được phần mộ của cụ tổ là một gò đất nhỏ tại cánh đồng Mả Lẻ, thuộc Đội 8, thôn Tiền Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Xin phép và thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm tiến hành lễ động thổ, khởi công xây dựng, tôn tạo phần mộ theo ước nguyện của Trạng Trình.
Khu đất được cho là tìm thấy mộ của Trạng Trình gây xôn xao dư luận năm 2012. |
Có mặt tại hiện trường, nhà sử học Ngô Đăng Lợi nhìn thấy đó là một ngôi mộ đã có từ lâu đời, cạnh đó là cái lăng cũ, chưa xác định được nguồn gốc cũng như tung tích của ngôi mộ. Ở thời điểm đó, không ai có thể dám chắc như đinh đóng cột rằng đó là phần mộ của Trạng. Với lại việc tìm kiếm chỉ thông qua ngoại cảm, không có cơ sở khoa học chắc chắn.
Việc tìm phần mộ của Danh nhân để xây dựng, tôn tạo là ước nguyện của đông đảo cán bộ và nhân dân trong huyện; thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn đối với công lao của Trạng Trình cho đất nước và quê hương. Nhưng nếu cứ chỉ bừa một chỗ, xét về tâm linh sao tránh khỏi tội, và xét về mặt quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa rõ ràng là phạm pháp vì đã tự “sáng tạo” một di tích không có thật. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng các chuyên gia đã không đồng tình với quan điểm đã tìm thấy mộ Trạng Trình.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi còn lưu ý thêm, các bậc thánh nhân xưa thường có một nguyên tắc không bao giờ cho biết phần mộ thật của mình. Hơn nữa, việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm không được Nhà nước thừa nhận. Giả thiết, nếu khu gò trên có mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thì việc lập dự án quy hoạch hoàn chỉnh khu di tích vẫn phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành.
Chính từ nguyên tắc đó, Chủ tịch xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã chính thức có văn bản phúc đáp lại Hội đồng Nguyễn tộc, ngành Út, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc xây dựng trên khu đất chưa có cơ sở khoa học khẳng định đã bị dừng lại.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, ông vẫn sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm mộ Trạng Trình . |
Và câu chuyện sự thật mộ Trạng nằm tại đâu, đòi hỏi phải kết hợp giữa khoa học thực tế, tham khảo thêm truyền thuyết dân gian (truyền thuyết vốn có trục là sự thật lịch sử). Từ năm 2012 đến nay, nhà sử học Ngô Đăng Lợi vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm. Ông cho biết, ông làm việc này bằng chính cái tâm của mình, không vì bất cứ điều gì cả, với mong muốn duy nhất là Trạng Trình được vinh danh, con cháu dòng dõi của Trạng được thờ phụng, và trả lời được câu hỏi đã gây nhức nhối cho bản thân ông cũng như những chuyên gia trong đoàn tìm kiếm.
Và dù nếu trường hợp không thể tìm thấy, thì ông vẫn cảm thấy thanh thản với những công sức mình đã bỏ ra từ trước tới nay. Với ông Lợi, vai trò và những đóng góp to lớn, những sứ mệnh lịch sử của Trạng Trình đối với đất nước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm phải xứng tầm là một danh nhân văn hóa của thế giới.
Sắp tới, nhà sử học Ngô Đăng Lợi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung và phối hợp lập hồ sơ về danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, đệ trình lên Ủy ban Unessco để được thế giới công nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét