Quân đội Trung Quốc chỉ là hổ giấy, dù trên danh nghĩa, TQ đang sở hữu một quân đội được hiện đại hóa nhanh chóng, trong một cuộc đụng độ trên sân nhà hay mang tính khu vực, nó có thể đương cự hay thậm chí là có thể đánh bại quân đội Mỹ trong một trận chiến trực diện.
Nhận thức được sự khác biệt của hai vấn đề cốt lõi này là chìa khóa để hiểu được mục tiêu chiến lược, khả năng quân sự của TQ và các mối đe dọa (nếu có) mà quốc gia này tạo ra với các nước láng giềng, với Mỹ và với trật tự thế giới hiện tại.
Mục tiêu chủ yếu của Bắc Kinh gồm: đảm bảo vị thế cường quốc của TQ, và áp đặt sức mạnh đối với khu vực,  theo báo cáo thường niên của Bộ quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của TQ. Nhưng TQ không phải là một thế lực mang tính toàn cầu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia đông dân nhất hành tinh này không đặt ra một thách thức về kinh tế và quân sự đối với cả thế giới.
TQ và Mỹ đang có mâu thuẫn lớn, chủ yếu từ việc TQ mở rộng định nghĩa về quyền lãnh hải của mình ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, và sự bành trướng này đang đe dọa trật tự kinh tế và hệ thống đồng minh mà Washington đã gắng sức thiết lập sau Thế chiến 2.
Tuy nhiên, TQ vẫn chưa phải là đối thủ xứng tầm của quân đội Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Bắc Kinh thiếu kinh nghiệm, trang bị và học thuyết quân sự để làm điều đó. Quân đội TQ ít có kinh nghiệm thực chiến, chế độ huấn luyện có nhiều nhược điểm và tỏ ra không thực tế.
Hải quân và không quân TQ đang phát triển và tung ra khá nhiều các khí tài quân sự mới, nhưng chủ yếu là sao chép thiết kế và đánh cắp công nghệ từ Nga, Mỹ và một số nước khác. Hầu hết trong số đó chưa hề trải qua thực chiến lần nào, và vì thế vấn đề sử dụng hiệu quả các khí tài này của TQ vẫn là một dấu hỏi.
 Bắc Kinh đang chuẩn bị chiến đấu dọc biên giới và ở vùng biển lân cận, vốn được xem là những nhiệm vụ dễ hơn cho quân đội còn thiếu kinh nghiệm thực chiến của nước này.
 Chính vì vậy, vấn đề TQ quan tâm nhất là làm thế nào đánh bại được quân đội Mỹ trong các cuộc chiến ở khu vực.
Vấn đề quan trọng nhất là Lầu Năm Góc phản ứng thế nào ?
TQ chủ động đề phòng
Giai đoạn trước năm 1980, chiến lược quân sự của TQ tập trung đối phó với một nỗi sợ hãi lớn khác: một cuộc xâm lược trên bộ của Liên Xô.
Phản ứng với mối đe dọa đến từ Liên Xô, chiến lược quân sự của Bắc Kinh hướng tới phòng ngự bằng bộ binh. Một “Vạn lý trường thành” bằng sắt và máu sẽ là thứ Bắc Kinh tạo ra để bảo vệ TQ.
Sự đe dọa từ Liên Xô giảm xuống sau năm 1980, và đến năm 1985 TQ điều chỉnh lại chiến lược chiến tranh.
Học thuyết phòng ngự chủ động dần bị gạt bỏ, sự quan tâm dần chuyển sang các vùng biên giới trên bộ ở phía tây và các vùng lãnh hải ở phía đông và đông nam, gồm cả Đài Loan vốn được Bắc Kinh xem là một tỉnh của TQ.
Tuy vậy, chiến lược mới vẫn đặt nền tảng ở khả năng phòng thủ. Hải quân TQ tuyên bố học thuyết chiến tranh mới: “Chúng tôi chỉ phản công sau khi bị nước ngoài tấn công”.
Chiến lược thiên về phòng thủ này vẫn được giữ nguyên. Đó là lý do tại sao, dù đã chi tới hàng trăm tỷ USD cho việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang kể từ những năm 1990 sau khi kinh tế TQ tăng tốc, thậm chí có những vũ khí chuyên dụng cho việc đổ bộ và chiếm đóng Đài Loan, thì hầu hết khí tài mà Bắc Kinh mua đều là những vũ khí tầm ngắn và có mục tiêu phòng ngự.
Ở thời điểm hiện tại, TQ sở hữu số lượng máy bay lớn thứ hai thế giới với 1.500 chiếc so với 2.800 chiếc của Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn chỉ sở hữu một số ít tàu chở dầu cho phép máy bay của họ chiến đấu trong những trận chiến xa bờ.
 Trong khi đó, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Mỹ đang sở hữu tới 500 tàu chở dầu, vì quân đội Mỹ đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới.
Tương tự, quy mô của hải quân TQ là rất đáng kể. Với khoảng 300 tàu chiến, TQ chỉ xếp sau Mỹ vốn có 500 tàu.
 Nhưng cũng giống như không quân, hải quân TQ đang thiên lệch đáng kể về khả năng tác chiến gần bờ. Hạm đội TQ chỉ có khoảng 6 tàu hậu cần có khả năng tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho các tàu khác nếu như muốn hoạt động xa bờ.
Trong khi đó, số tàu hậu cần của Mỹ đang lên tới hơn 30 chiếc.
Vấn đề cuối cùng, là lục quân TQ cũng sở hữu một sức mạnh đáng kể trên địa phận nước này, nhưng xa hơn thì chưa chắc.
TQ gần như không có các căn cứ quân sự ở nước ngoài cho phép nước này duy trì quân đội ở hải ngoại, nhưng Mỹ t có tới hàng trăm căn cứ trên khắp thế giới.
Vì thế, quân đội TQ không thể vượt đại dương để tấn công vào các vùng lãnh thổ được coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
Quân đội Mỹ thường xuyên tuần tra các vùng biển lân cận TQ. và trọng tâm được ưu tiên trong chiến lược của Mỹ là nắm quyền kiểm soát các biển này.
Việc TQ sở hữu một tầm hoạt động khá ngắn của hải quân, không quân và lục quân có thể giúp nước này tập trung một lượng lớn quân đội trong một phạm vi tương đối hẹp, trong một cuộc chiến phòng ngự, khi mà số lượng lớn có thể bù đắp nhược điểm về chất lượng của quân đội nước này.
Trong khi đó Mỹ, đang phân bổ các lực lượng quân sự ở khắp nơi trên thế giới với những khoảng cách khổng lồ, và khó có thể tập trung một lượng lớn quân số như  TQ.
Sự áp đảo về quân số huy động của TQ có thể bù đắp lại nhược điểm về số lượng chiến hạm và không quân so với Mỹ.
Trong một phân tích vào năm 2008, tổ chức nghiên cứu RAND Corps của Mỹ kết luận: TQ sẽ có lợi thế so với Mỹ trong một trận không chiến ở gần Đài Loan, vì Mỹ phải mất thời gian huy động không quân từ các căn cứ ở Nhật Bản và đảo Guam, khoảng cách xa cũng khiến thời gian tác chiến của các phi cơ này ít hơn do phải quay về tiếp nhiên liệu.
Hiện TQ  đang ngày càng mở rộng phạm vi lợi ích của nó ra bên ngoài lãnh thổ. TQ đang tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông, gây ra sự phản ứng của Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.
Vào cuối năm 2014, TQ leo thang đáng kể cuộc tranh chấp, khi bắt đầu nạo vét và xây dựng các đảo san hô, các công trình quân sự và cảng, biến nó thành những tiền đồn quân sự. Những cứ điểm quân sự này đã làm dấy lên phản ứng của các nước đang tranh chấp, và có thể dẫn tới xung đột.
Mỹ duy trì quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và ở một mức độ thấp hơn với Việt Nam.
Washington cũng cam kết duy trì an ninh hàng hải với các tàu thuyền qua lại trong vùng biển quốc tế này – một yếu tố quan trọng của tự do thương mại toàn cầu.
Nếu bất cứ quốc gia nào lao vào một cuộc chiến với TQ, Mỹ sẽ không can thiệp, và khi đó các lực lượng quân sự gần bờ của TQ sẽ phát huy tác dụng cao nhất. Chiến đấu trong khu vực lân cận, TQ sẽ là một cường quốc quân sự.
Nhàn Đàm (lược dịch từ Fiscal Times)