(PetroTimes) - Quyết định vứt bỏ tấm khiên “quốc gia trung lập” của Ukraina được coi như một lời “tuyên chiến” công khai nhằm vào nước Nga.
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko với bản Hiệp định liên kết với EU trong phiên họp quốc hội tại thủ đô Kiev ngày 16/9
Ngày 23/12, với 333 phiếu thuận, và chỉ có 8 phiếu chống, tức 77 phiếu nhiều hơn số phiếu tối thiểu cần thiết, Quốc hội Ukraina với đa số nghị sĩ thân phương Tây chính thức thông qua nghị quyết từ bỏ quy chế trung lập của nước này, mở đường cho việc Kiev gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là quy chế của các quốc gia như Thụy Sĩ, không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào hay can dự tích cực vào một xung đột quân sự.
Quy chế không liên kết được Ukraina xác lập vào năm 2010 và được quy định trong Luật Ukraina về nền tảng chính sách đối nội và đối ngoại. Đây được coi là tấm khiên bảo vệ Ukraina trước sự chi phối của các cường quốc, nhất là khi nước này lại nằm cạnh Nga. Nhưng cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi năm ngoái của những người thân phương Tây đã cho thấy quy chế này bắt đầu bị phá vỡ.
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko ngày 18/12 đã trình Quốc hội nước này Dự luật về thay đổi một số luật Ukraina liên quan bãi bỏ áp dụng chính sách không liên kết. Văn kiện này lưu ý việc bãi bỏ chính sách không liên kết sẽ tạo thêm cơ chế để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Ukraina, đồng thời cho phép nước này gia nhập NATO và đảm bảo để liên minh quân sự này bảo vệ Ukraina trước những mối đe dọa trong tương lai.
Quyết định Quốc hội Ukraina đã khiến Nga bất bình, xảy ra một ngày trước vòng đàm phán mới về hòa bình tại miền Đông Ukraina, dự kiến diễn ra trong ba ngày tại Belarus, kể từ ngày 24/12.
Phát biểu truyền hình, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố quyết định trên “hoàn toàn phản tác dụng và sẽ chỉ làm căng thẳng hơn không khí đối đầu hiện nay”. “Nó sẽ chỉ làm leo thang đối đầu và tạo ra ảo tưởng rằng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nội tại sâu sắc của Ukraina bằng việc thông qua những dự luật như vậy" - ông Lavrov nói.
Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đưa ra bình luận: Nếu gia nhập NATO, Ukraina sẽ biến mình thành “một đối thủ quân sự tiềm tàng của Nga”.
Andrei Kelin, Đặc phái viên của Nga gia nhập Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), phát biểu ngày 23/12: “Đây là bước đi không thân thiện đối với chúng tôi. Hướng đi chính trị này chỉ khiến Ukraina nếm thêm phiền hà và đối đầu trong các mối quan hệ”.
Lý giải cho quyết định từ bỏ quy chế liên kết của quốc hội Ukraina, Tổng thống Ukraina tái khẳng định cuộc chiến vì “nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia (của Ukraina) là một yếu tố quyết định” trong mối quan hệ giữa Ukraina với thế giới. Theo ông Porochenko, quy chế không liên kết là một phương tiện hoàn toàn không hiệu quả để bảo đảm an ninh của Ukraina. Tổng thống Ukraina cũng như nhiều lãnh đạo chính trị Ukraina coi việc gia nhập NATO là điều kiện tối cần thiết để quốc gia này có thể bảo vệ được chủ quyền.
Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin thì nói động thái trên nhấn mạnh quyết tâm của Kiev trong việc xoay trục hướng sang châu Âu và phương Tây.
Mong muốn tham gia NATO của Ukraina trở nên mạnh mẽ, sau khi Crưm tái sáp nhập về Nga. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, con đường gia nhập NATO đối với Ukraina chắc chắn còn rất dài và nhiều chông gai. Nhiều thành viên chủ chốt của NATO như Đức, Pháp… tỏ ra không đồng tình để NATO tiếp nhận Kiev.
Theo giới quan sát, việc vứt bỏ tấm khiên “không liên kết”, Ukraina chính thức bước vào cuộc đối đầu công khai với nước Nga. Nhưng từ nay cho đến khi Ukraina trở thành thành viên chính thức của NATO, tức là sẽ nhận được sự bảo vệ quân sự của khối này, thì Kiev sẽ đơn thương độc mã trong cuộc đối đầu với Moskva.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 24/12, tại Minsk (Belarus), sẽ khai mạc vòng thương thuyết mới về hòa bình cho miền Đông Ukraina. Theo Kiev, thời gian của cuộc đàm phán đã được thỏa thuận trong cuộc điện đàm hôm 22/12 giữa Tổng thống Ukraina và các nguyên thủ Nga, Pháp, cùng Thủ tướng Đức. Cuộc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ nhóm tiếp xúc ba bên, bao gồm các đại diện Ukraina, Nga, Tổ chức OSCE nhằm đối thoại với đại diện các lực lượng nổi dậy. Trong khi đó, một đại diện phe ly khai cho hay hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về các đàm phán.
Trên thực địa, thỏa thuận ngừng bắn ngày 9/12 về cơ bản được tôn trọng, tuy nhiên căng thẳng gia tăng sau vụ nổ đêm 22/12 tại một cầu đường sắt ở thành phố Marioupol, đô thị lớn duy nhất của vùng Donesk còn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Một trong các thách thức chủ yếu đối với thỏa thuận hòa bình hiện nay là việc phe ly khai đòi hỏi Kiev phải tái chu cấp ngân sách cho các vùng hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy, vốn bị cắt từ giữa tháng 11/2014. Chính quyền Ukraina đòi hỏi phe ly khai hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử hồi đầu tháng 11 tại hai nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét