Đầu thập niên 1960, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các dàn pháo phản lực BM-14. Loại pháo này sử dụng đạn cỡ 140 mm, gồm 17 ống phóng được đặt trên một xe vận tải với toàn bộ trọng lượng khoảng 2,5 tấn. Mỗi quả đạn BM-14 nặng khoảng 40 kg, tầm bắn đạt 10.800 m.
Sự xuất hiện của pháo phản lực trong biên chế là một bước phát triển mới của lực lượng Pháo binh Việt Nam. Tuy nhiên, với trọng lượng lớn và cồng kềnh nó không thuận lợi trong tác chiến ở chiến trường miền Nam. Thực tế chiến trường đòi hỏi một loại pháo có uy lực lớn nhưng lại phải mang vác được bằng sức người. Bởi vậy, ngành kỹ thuật pháo binh đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu để cải tiến BM-14.
Sách Biên niên sự kiện lịch sử ngành kỹ thuật pháo binh QĐNDVN 1945-1975 cho biết: “Để tăng cường loại vũ khí có hỏa lực mạnh cho chiến trường, Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai nghiên cứu cải tiến pháo phản lực BM-14 (Liên Xô sản xuất) thành pháo phản lực mang vác”.
BM-14 sau cải tiến gồm ống phóng gắn trên 1 bệ bằng gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1140mm, mặt trong có đánh 4 đường sống tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Bệ bằng gỗ dày 2cm, rộng 25cm, dài 120cm. Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế.
Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5kg. Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin con thỏ 1,5 vôn. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại được.
Pháo BM-14 sau khi cải tiến có tầm bắn khoảng 8000 m (giảm so với nguyên bản) nhưng độ chính xác cao hơn. Mặt khác BM-14 chỉ phóng lần lượt từng quả một còn pháo cải tiến có thể phóng cùng lúc 12 quả đạn nhờ 1 hệ thống điện điểm hỏa. Bởi vậy nó được gọi là A12. Sau khi cải tiến thành công, từ 1 dàn phóng 17 ống trên 1 xe, A12 được biên chế cho mỗi tiểu đội 12 khẩu. Với trọng lượng rất nhẹ, A12 rất tiện lợi cơ động để thực hiện những đòn tập kích hỏa lực luồn sâu đánh hiểm vào đối phương.
Tiểu đoàn 99 là đơn vị đầu tiên được trang bị A12. Tháng 9/1966, đơn vị này hành quân vào đến tây Thừa Thiên để chuẩn bị pháo kích sân bay Phú Bài. Tuy nhiên, đang trong quá trình điều nghiên mục tiêu thì đơn vị được lệnh chuyển vào đánh sân bay Đà Nẵng – là mục tiêu lớn hơn để tạo thanh thế cho vũ khí mới của ta.
Lịch sử Pháo binh QĐND Việt Nam viết: “Tháng12/1966, tiểu đoàn 99 vào tới chiến trường chuẩn bị cho trận đánh. Phải mất nhiều tháng trời, đơn vị mới hoàn thành công tác chuẩn bị cho trận đánh. Việc chuyển đạn thì nhờ cơ sở ở hai huyện Điện Bàn, Hòa Vang giúp đỡ. Ngày 27/2/1967, tiểu đoàn 99 vào chiếm lĩnh trận địa. Đúng 1h20 ngày 28/2/1967, đơn vị bắn 15 loạt với 140 viên đạn vào các mục tiêu trong sân bay. 15 phút sau máy bay và pháo binh địch mới phản ứng. Lúc đó, du kích đã nghi binh, xóa dấu vết và đưa đơn vị về vị trí an toàn.
Sau trận đánh, các cơ sở ta trong thành phố Đà Nẵng cho biết, 94 máy bay các loại, 200 xe quân sự địch bị phá hỏng, nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật bị diệt. Thư của cơ sở trong thành phố gửi ra miêu tả trận đánh như sau: “tỉnh dậy là thấy tiếng ào ào xé không khí như hàng chục chiếc máy bay phản lực cất cánh. Nhiều tiếng nổ làm rung chuyển cả thành phố. Lửa bùng lên dữ dội trong sân bay. Nhiều người tưởng là máy bay từ miền Bắc vào ném bom đã rủ nhau lên mái nhà xem máy bay mỹ cháy”.
(Theo Người Đưa Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét