Ukraina: Chiến trường Đông - Tây
Ukraina là nước cộng hòa gần 70 năm nằm trong lãnh thổ Liên bang Xôviết và có trọng lượng kinh tế lẫn an ninh rất cao trong hệ thống Nhà nước Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước này tách ra thành một quốc gia độc lập, coi như tiến ra vị trí trung lập. Sau đó, ưu tiên của Ukraina là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Trong 10 năm kế tiếp, từ 1994 đến 2004, nền ngoại giao của Ukraina dưới “triều đại” của Tổng thống Leonid Kuchma là “đu dây” giữa hai khối Ðông - Tây: tìm nguồn lợi kinh tế từ phía tây khi buôn bán với châu Âu, mà không cắt cầu qua hướng đông để được đảm bảo về an ninh từ Liên bang Nga mới được thành lập.
Cuộc Cách mạng Cam (Orange Revolution) năm 2004 - xuất phát từ vụ bầu cử để lại không ít tai tiếng về gian lận khiến Thủ tướng Viktor Yanukovich thất cử - đã đảo lộn tình hình. Truyền thông phương Tây coi đó là thắng lợi của nền dân chủ, nhất là khi chính quyền mới khẳng định ưu tiên là hội nhập với Liên minh châu Âu và gia nhập NATO.
Hạm đội tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải.
Nhưng truyền thông phương Tây đã quá lạc quan! Vì chính quyền mà họ phong là “dân chủ” bất tài bất lực, hai lãnh đạo Cách mạng Cam là Tổng thống Viktor Yushchenko còn tranh giành ảnh hưởng với Thủ tướng Yulia Tymoshenko nên sau cùng, Yanukovich đắc cử tổng thống năm 2010. Ông Yanukovich từ bỏ đường lối thiên về Tây mà ngả về Ðông, và Quốc hội Ukraina khi ấy mới ra đạo luật cấm Ukraina xin gia nhập NATO.
Từ đó, Ukraina trở lại chủ trương trung lập. Khi Yanukovich bị lật đổ vào đầu năm 2014 sau khi từ chối ký hiệp định liên kết với EU, Ukraina rơi vào khủng hoảng chính trị với phía đông được Nga hậu thuẫn và phần còn lại do EU và Mỹ chống lưng. Cuộc chiến Đông-Tây bắt đầu từ khi Bán đảo Crimea của Ukraina tái sáp nhập vào Nga.
Dàn trận và “giao chiến”
Có thể nói việc Crimea tách khỏi Ukraina là một thắng lợi đầu tiên của Nga trong cuộc đối đầu Đông - Tây thời kỳ mới. Nhưng ngay sau đó phương Tây đã tiến hành phản công, trước tiên là trên mặt trận ngoại giao. EU và Mỹ cho đó là một hành động “xâm lược” của Nga và theo họ việc Crimea sáp nhập vào Nga là sự xáo trộn về biên giới lãnh thổ châu Âu đầu tiên kể từ sau Thế chiến II. Nga thì cho rằng, việc Crimea của Ukraina sáp nhập vào Nga là ý nguyện của người dân bán đảo này thông qua một cuộc trưng cầu dân ý công khai chứ không phải là ép buộc. Mặt khác, Crimea vốn xưa kia là lãnh thổ của Nga tặng Ukraina, nên việc này phải gọi đúng nghĩa là tái sáp nhập lãnh thổ.
Kết quả là Nga bị loại ra khỏi G8 và bị đình chỉ các dự án hợp tác với NATO, rồi bị EU cùng Mỹ kêu gọi đồng minh cô lập. Nhưng đấu tranh ngoại giao không đảo ngược được vụ Crimea sáp nhập vào Nga, phương Tây bắt đầu tung đòn đánh vào nền kinh tế. Ngày 20/4/2014,  tờ New York Times đưa tin: Tổng thống Barack Obama cùng các cố vấn an ninh quốc gia xét đến một sách lược lâu dài đối với Nga. Theo tờ báo, đây là một phiên bản cập nhật của chiến lược thời Chiến tranh lạnh.
Cụ thể giống như quyết định của Mỹ nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô sau Thế chiến II, Tổng thống Obama đang tập trung vào việc cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, bằng cách cắt các quan hệ kinh tế lẫn chính trị của Nga với thế giới. Sách lược này cũng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng, đồng thời làm cho Nga trở nên suy yếu một cách có hiệu quả.
Từ cuối năm 2013 cho đến nay, Mỹ và châu Âu đã đưa ra tổng cộng 5 đợt trừng phạt nhằm vào nước Nga từ nhẹ như cấm vận đi lại của một số quan chức trong chính quyền Moskva cho tới nặng như cấm các công ty dầu khí của Nga tiếp cận thị trường vốn phương Tây và các các biện pháp hạn chế kinh tế khác. Gần đây nhất là việc phương Tây cấm vận cả Bán đảo Crimea.
Kinh tế Nga bây giờ mới thấm những đòn đánh kinh tế của phương Tây. Ngày 24/11/2014, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo: Ước tính Nga bị thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD do lệnh cấm vận của phương Tây. Số tiền trên sẽ chẳng thể làm nước Nga suy thoái nhưng ngặt một nỗi đúng vào thời điểm này, giá dầu thế giới lại giảm gần một nửa trong vòng 6 tháng qua, khiến nguồn thu ngân sách của Nga, chủ yếu từ dầu mỏ và khí đốt, bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại từ 90 - 100 tỉ USD riêng trong 3 tháng cuối năm. Đồng rúp của Nga đã bị mất giá trên 80% trong năm 2014. Dự báo tăng trưởng GDP Nga chỉ đạt 0,3% năm 2014 và 0% năm 2015.
Nhưng đối với mỗi gói trừng phạt của phương Tây, Nga đều có các đợt trả đũa tương ứng. Đây là nguyên tắc bình thường trong ngoại giao. Và nếu như Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỉ USD do lệnh trừng phạt, thì sự mất mát của EU do các biện pháp trả đũa của Nga là khoảng 50 tỉ USD chỉ riêng trong năm nay. Điều này đã được Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố hôm 10/12, khi trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình hàng đầu của Nga. Ông Medvedev nói thêm rằng, theo ước tính của các nhà kinh tế Nga, các nền kinh tế châu Âu trong năm tiếp theo sẽ bị thiệt hại khoảng 60 tỉ USD. Thủ tướng Medvedev nói rằng, lệnh trừng phạt là bất lợi cho tất cả các bên, lệnh trừng phạt "không cần cho ai, và theo thông lệ, có xu hướng không kết thúc bằng điều gì cả".
Tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Anh có mặt trong Hạm đội Baltic của NATO.
Và để chống đỡ, Nga gia tăng hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương trong đó phải kể đến Trung Quốc. Hợp đồng khí đốt trị giá 50 tỉ USD với Trung Quốc được coi là cứu cánh của Moskva vào lúc này. Bên trong nước Nga cũng có nhiều chuyển biến tích cực “nhờ” vào sự cấm vận của phương Tây. Sức ép ngoại bang đã vô tình khiến sản xuất nội địa của Nga tăng trưởng. Mấy tháng qua, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng: tăng 2,9% vào tháng 10 và 3% vào tháng 11. Tăng trưởng chủ yếu trong hai lĩnh vực quốc phòng và vận tải. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi rất nhiều từ các lệnh bao vây của phương Tây bởi Chính phủ Nga đã đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp châu Âu.
Về mặt quân sự, cuộc đối đầu Nga và phương Tây cũng đã kéo theo nhiều thay đổi mà gần đây nhất là việc Nga công bố học thuyết quân sự mới, trong đó khẳng định NATO là mối đe dọa số 1 của nước Nga. Ngoài ra, Nga cũng gia tăng các hoạt động của không quân trên khắp châu Âu nhắm vào các thành viên khối NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tóm lược tình hình năm 2014 trong vài từ ngắn: Khủng hoảng và xung đột. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, tháng 9/2014, chính phủ các thành viên NATO đã quyết định thành lập một lực lượng phản ứng cực nhanh, có thể tham chiến ngay trong 48 tiếng đồng hồ và sẽ hoạt động kể từ năm 2016.
Trong khi chờ đợi, một tiểu đoàn đầu tiên gồm quân nhân 3 nước Đức, Hà Lan và Na Uy sẽ được thành lập ngay vào năm 2015. Cũng trong năm 2015, NATO sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh cho Ba Lan và 3 nước vùng Baltic, thành viên ở phía bắc châu Âu. Các biện pháp quân sự này gồm gia tăng tập trận với nhịp độ thường xuyên hơn, với số máy bay chiến đấu và trinh sát nhiều hơn và số tàu chiến tuần tra trong vùng Hắc Hải và biển Baltic cũng tăng theo.
Ngày 28/12/2014, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo khả năng chuyển toàn bộ các thiết bị quân sự hiện có ở Afghanistan cho Ukraina, Duma quốc gia Nga cũng đang nêu khả năng cung cấp vũ khí tới miền Đông Ukraina. Theo các chuyên gia, khả năng Mỹ hành động như vậy là rất thấp và đối với Nga cũng vậy. Một khi xảy ra điều đó, các bên sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến quân sự không có đường lui. Việc các bên có tuyên bố như trên dường như chỉ là những đòn hăm dọa nhau nhằm tìm kiếm lợi thế trong cuộc đối đầu hiện nay xung quanh vấn đề Ukraina.
Tất cả đều mang thương tích
Một năm sau khi quyết ngả theo phương Tây, mà quyết định từ bỏ quy chế trung lập của Quốc hội Ukraina hồi giữa tháng 12 là một bước tiến mới, nước này giờ có được gì? Cái mà Ukraina nhận được là đất nước bị chia cắt, kinh tế kiệt quệ và chính trị rối bời. Không những mất Crimea, hai tỉnh miền Đông của Ukraina là Donetsk và Lugansk đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự trị và tổ chức bầu cử riêng. Để giành lại miền Đông, chính quyền Kiev đã lao vào cuộc chiến với phe ly khai không có hồi kết và có trên 4.000 người Ukraina đã chết trong cuộc nội chiến này. Nền kinh tế Ukraina phụ thuộc nhiều vào Nga trong năm qua đã liên tiếp hứng chịu những cú sốc nặng nề sau khi Nga cắt khí đốt, cấm vận lương thực…
Cái đau đớn hơn cả là vừa mất một phần lãnh thổ, Ukraina đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi sự trợ giúp nào từ phương Tây. Bộ trưởng Tài chính Ukraina mới đây đã phải nói thật với dân chúng rằng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ không tháo khoán 17 tỉ USD tín dụng như đang mong ngóng vào cuối năm nay. Ukraina giờ chỉ có thể trông mong vào 760 triệu USD do EU chu cấp mà thôi.
Nếu như quyết định từ bỏ quy chế trung lập của Quốc hội Ukraina mới đây được coi là hành động dọn đường cho nước này gia nhập NATO thì các chuyên gia cho rằng ước nguyện này còn rất xa vời bởi một lẽ đơn giản là bất cứ ai xin gia nhập đều phải có sự đồng ý của mọi thành viên và NATO chỉ thu nhận thành viên không có tranh chấp lãnh thổ.
Có thể nói cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra kéo theo cuộc đối đầu giữa Ukraina, phương Tây với Nga ngày càng khó đoán định. Thiệt hại của cả hai phía ngày càng trở nên rõ ràng. Ukraina chưa nhận được gì từ chính sách thân phương Tây thì đã mất miền Đông, kinh tế khủng hoảng, chính trị chia rẽ. Nga cũng điêu đứng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây về mặt kinh tế. Đồng tiền Nga mất giá, kinh tế ngày càng khó khăn. Nhưng Mỹ và EU không phải không bị ảnh hưởng bởi những đòn trả đũa của Nga. Rõ ràng nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài thì tất cả các bên đều bị thiệt hại nặng nề.
Nói về bài học trong cuộc đối đầu này, tờ Le Figaro của Pháp số ra hôm 11/11/2014 đăng bài phân tích của chuyên gia với dòng tít: “Bài học mà châu Á cho chúng ta về quan hệ ngoại giao”. Tác giả bài viết cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ và quan hệ ngoại giao căng thẳng trong suốt mấy năm qua nhưng hai nước này đã biết khoanh vùng căng thẳng. Tức là không để những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ (trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế. Ra đòn trừng phạt thì dễ nhưng rút lại thì khó.
Trừng phạt kinh tế sẽ không chỉ gây hại cho người bị áp đặt mà sẽ là con dao hai lưỡi làm đứt tay cả người áp đặt. Tác giả nhấn mạnh rằng, với những biện pháp trừng phạt, Nga thua thiệt mà Liên minh châu Âu cũng bị tổn thất. Bài báo kết luận: Chính sách ngoại giao của lãnh đạo các nước châu Âu đang lầm đường, không có sự “mềm dẻo” mà hậu quả nhãn tiền là người dân châu lục này cũng chẳng thu lượm được gì, nếu không nói chính họ mới là những con tốt lao đao  khi Nga đi những nước cờ kế tiếp.
Sĩ Tuấn - Mộc Thạch