(Tin Nóng) Ngày 26.2 tại Quốc hội Mỹ, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã báo cáo về các mối đe dọa trên thế giới, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc đang mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa bao gồm các cảng và sân bay là một phần của nỗ lực "hung hăng" nhằm giành trọn chủ quyền Biển Đông.
Theo hãng tin AP, ông Clapper phát biểu như trên tại phiên điều trần của Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ, với sự chủ toạ của Chủ tịch Uỷ ban là thượng nghị sĩ John McCain.
Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper nói Mỹ lo ngại về hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở các bãi đá (chiếm của Việt Nam) tại Trường Sa có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông.
"Mặc dù Trung Quốc đang tìm kiếm các mối quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực trong việc theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền trên biển", ông Clapper nói. Ông mô tả các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc qua cái gọi là đường chín đoạn (đường lưỡi bò) - một ranh giới thô, bao gồm hơn 80% diện tích Biển Đông - là "quá đáng".
Mỹ không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới. Còn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ là có cơ sở lịch sử (?) và phản đối những gì họ cho là có sự can thiệp của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã đưa ra các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Trung Quốc mở rộng diện tích bãi Đá Gaven (chiếm đóng của Việt Nam) tại quần đảo Trường Sa trong năm qua. Ông cho biết việc mở rộng các bãi đá của Trung Quốc có thể cho phép bố trí tại đây các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí phòng không và các khí tài khác.
Theo ông Clapper, Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn xây dựng các đảo nói trên nên chưa rõ ràng về những loại vũ khí cũng như lực lượng nước này có thể triển khai ở đó. Ông cho biết các hoạt động của Trung Quốc trong 1,5 năm qua, bao gồm triển khai một giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5.2014 đã gây ra xung đột với Việt Nam, là một "xu hướng đáng lo ngại".
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) tuần trước cho biết nhiều năm qua Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng đã xây đắp trên các vị trí hiện có ở Biển Đông, và Philippines đang có kế hoạch nâng cấp sân bay và bến tàu trên một hòn đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên trong số các bên tranh chấp, Trung Quốc là bất thường nhất trong cách thức làm "thay đổi đáng kể kích thước và cấu trúc vật lý của đất đai ở các bãi đá".
Trung Quốc đã có một đội quân đồn trú và cơ sở hậu cần tại Đá Gaven (chiếm của Việt Nam) từ năm 2003, bắt đầu xây dựng các công trình quan trọng đó vào năm ngoái qua việc cải tạo đất và xây một hòn đảo nhân tạo mới, diện tích hơn 18 mẫu Anh (73.000 m2). Các tòa nhà chính trên hòn đảo mới xuất hiện này có cả tháp bố trí vũ khí phòng không, theo CSIS.
Theo Reuters, trước tình hình căng thẳng mới này, Hải quân Mỹ gia tăng bay tuần tra Biển Đông và mới đây đã thay thế máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion bằng máy bay hiện đại P-8 Poseidon. Máy bay P-8 Poseidon này được Hải quân Mỹ bố trí ở một căn cứ tại Philippines và đã tuần tiễu suốt 3 tuần lễ, đến ngày 21.2, sau khi bay hơn 180 giờ tuần tra Biển Đông.
Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết Hải quân Mỹ đã triển khai các máy bay tuần biển P-3C Orion tại Philippines từ năm 2012 theo hiệp ước an ninh song phương Mỹ - Philippines, cho phép lực lượng quân sự Mỹ được bố trí tạm thời ở nước này. Máy bay P-8A Poseidon đã được đưa đến Philippines thay thế P-3C Orion từ hồi năm 2014, nhưng nay mới công khai.
Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét